/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ

Đề xuất quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ

29/08/2023 15:48 |

(LSVN) - Bộ Quốc phòng đang dự thảo nghị định quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ Quốc phòng xây dựng dự thảo nghị định quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ gồm 8 chương, 43 điều, cụ thể:

- Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5);

- Chương II: Thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm; nhập khẩu tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (từ Điều 6 đến Điều 10);

- Chương III: Đăng ký phương tiện bay (từ Điều 11 đến Điều 21);

- Chương IV: Khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (từ Điều 22 đến Điều 28);

- Chương V: Đào tạo, cấp chứng chỉ khai thác, sử dụng phương tiện bay (từ Điều 29 đến Điều 33);

- Chương VI: Tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không (từ Điều 34 đến Điều 37);

- Chương VII: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân (từ Điều 38 đến Điều 40);

- Chương VIII: Điều khoản thi hành (từ Điều 41 đến Điều 43).

Theo Bộ Quốc phòng, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ có hiệu lực từ 19/4/2008. Nghị định số 36/2008/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp phép, tổ chức quản lý các hoạt động bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn bay và trật tự an toàn xã hội; cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng loại phương tiện bay này trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đã có nhiều thay đổi, phát sinh nhiều quan hệ mới cần bổ sung, điều chỉnh; trong khi đó, một số nội dung quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP không còn phù hợp, bộc lộ hạn chế, bất cập.

Nghị định số 36/2008/NĐ-CP được xây dựng dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Hàng không dân dụng năm 2006 và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực đầu tư, quản lý hàng hóa ngoại thương... và dự báo nhu cầu khai thác sử dụng các loại phương tiện bay không người lái trong xã hội. Tuy nhiên, Luật Hàng không dân dụng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được sửa đổi hoặc ban hành mới (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2020,...) do vậy, cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được sản xuất với số lượng rất lớn, được ứng dụng, sử dụng ngày càng rộng và trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ diễn ra phức tạp, nhiều hoạt động mang tính tự phát; đã có một số vụ tàu bay không người lái xâm phạm khu vực cấm, khu vực hạn chế bay đe dọa đến quốc phòng, an ninh; một số vụ va chạm giữa tàu bay hàng không dân dụng với vật thể bay (nhiều khả năng là phương tiện bay không người lái) trên vùng trời một số sân bay của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn hàng không. Đặc biệt, nếu phương tiện bay không người lái bị lợi dụng để làm phương tiện khủng bố, phá hoại sẽ tiền ẩn nguy cơ lớn, gây hại tới quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không và trật tự an toàn xã hội; vì vậy, cần một giải pháp toàn diện để quản lý loại phương tiện bay này.

Thời gian qua công tác quản lý và phối hợp quản lý đối với một số hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ còn hạn chế, nhất là trong các hoạt động sản xuất, thử nghiệm, nhập khẩu, xử lý vi phạm..., có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên, trong đó có vấn đề xác định trách nhiệm, phân cấp quản lý, nội dung quản lý chưa đầy đủ, cụ thể.

Tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP quy định quản lý một số lĩnh vực nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thiết kế, sản xuất, thử nghiệm; kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể trình tự, hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết... gây ra sự thiếu thống nhất, khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư, khai thác, sử dụng và cơ quan quản lý trong quá trình triển khai thực hiện.

Khi tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được phóng lên vùng trời có khả năng gây ảnh hưởng đến an toàn bay, trật tự an toàn xã hội nếu người sử dụng không có "kiến thức về hàng không" và kỹ năng cần thiết về "điều khiển phương tiện bay"; tuy nhiên, tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP chưa quy định nội dung này. Vì vậy, cần thiết phải đưa nội dung trên vào Nghị định để điều chỉnh hành vi của người khai thác, sử dụng nhằm hạn chế rủi ro khi tổ chức bay.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ là cần thiết.

VĂN QUANG

Bùi Thị Thanh Loan