/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ, chính sách cho phạm nhân

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ, chính sách cho phạm nhân

13/09/2023 15:41 |

(LSVN) - Bộ Công an đang dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Ảnh minh họa.

Theo đó, sau hơn 2 năm triển khai thi hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh đã được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; mang lại hiệu quả tích cực, làm chuyển biến về nhận thức của phạm nhân, học sinh; giúp phạm nhân, học sinh tin tưởng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm tư tưởng, xóa bỏ mặc cảm, tích cực học tập, rèn luyện, cải tạo tiến bộ để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện một số quy định về chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh.

Cụ thể, về công tác khám, chữa bệnh cho phạm nhân, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: "Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh,… Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu thì theo chỉ định của Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo;…". 

Theo đó, trong nhiều trường hợp do phải thực hiện quy trình đề nghị nên việc cứu chữa có thể không kịp thời, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của phạm nhân.

Bên cạnh đó, về công tác xếp loại cải tạo cho phạm nhân, Bộ Công an cho biết, điểm a, b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định:

"a) Phạm nhân đã được nhận xét, đánh giá thái độ, kết quả chấp hành án phạt tù từ 04 ngày trở lên trong một tuần thì được xếp loại tuần. Xếp loại tuần vào ngày thứ Sáu hằng tuần. Thời gian xếp loại tuần tính từ ngày thứ Bảy tuần trước đến ngày thứ Sáu tuần sau đó;

b) Phạm nhân đã được xếp loại từ 03 tuần trở lên trong một tháng thì được xếp loại tháng. Xếp loại tháng vào ngày 25 hằng tháng. Thời gian xếp loại tháng kể từ ngày 26 của tháng trước đến ngày 25 của tháng sau đó. Trường hợp phạm nhân đã chấp hành án phạt tù được 20 ngày trong 01 tháng, thì thời gian xếp loại được tính từ ngày 06 đến ngày 25 của tháng đó".

Bất cập theo quy định nêu trên là có trường hợp phạm nhân chấp hành án 18 ngày đã được xếp loại 3 tuần vì vậy đủ điều kiện xếp loại tháng, tuy nhiên lại không đúng quy định tại khoản b là phải chấp hành án ít nhất được 20 ngày. Mặt khác, có trường hợp phạm nhân chấp hành án đã được 20 ngày nhưng chưa được xếp loại 3 tuần thì cũng không được xếp loại tháng. Quy định như trên phát sinh mâu thuẫn trong thực tiễn áp dụng.

Điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: "Phạm nhân đã được xếp loại từ 03 tuần trở lên trong một tháng thì được xếp loại tháng. Xếp loại tháng vào ngày 25 hằng tháng. Thời gian xếp loại tháng kể từ ngày 26 của tháng trước đến ngày 25 của tháng sau đó. Trường hợp phạm nhân đã chấp hành án phạt tù được 20 ngày trong 01 tháng, thì thời gian xếp loại được tính từ ngày 06 đến ngày 25 của tháng đó".

Mốc thời gian để xếp loại như quy định trên không trùng với mốc tháng, quý, cả năm của Luật Lao động, Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, gây khó khăn cho việc xác định phạm nhân có hoàn thành chỉ tiêu định mức được giao hay không bởi kết quả lao động của phạm nhân trong tháng được tính từ ngày 01 đến ngày cuối tháng.

Điểm d khoản 2 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: "Phạm nhân phải thực hiện đầy đủ các tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù sau đây thì được xếp loại tốt:

d) Có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác, tích cực trong lao động, nghiêm túc chấp hành sự phân công của cán bộ, tham gia đầy đủ 100% ngày công, lao động có chất lượng, hiệu quả, hoàn thành 100% định mức công việc và vượt định mức hoặc tiến độ được giao,...".

Theo Bộ Công an, trên thực tế, rất khó khăn cho phạm nhân có thể tham gia đầy đủ 100% ngày công vì phạm nhân còn được thực hiện các chế độ chính sách như: Liên lạc điện thoại với thân nhân, thăm gặp thân nhân, nghỉ ốm, tham gia học tập…; việc xác định phạm nhân lao động vượt định mức ở các đội vệ sinh, chăn nuôi, phục vụ bếp... rất khó xác định…

Ngoài ra, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP chưa có các điều khoản quy định chi tiết về: Chương trình học tập, học nghề của phạm nhân; xếp loại chấp hành án trong trường hợp phạm nhân lập công; kinh phí an táng khi phạm nhân chết; xếp loại chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng…

Từ những khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên trong triển khai thực hiện Nghị định 133/2020/NĐ-CP, Bộ Công an nhận thấy việc xây dựng nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP là rất cần thiết.

VĂN QUANG

Bùi Thị Thanh Loan