Ảnh minh họa.
Dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi)gồm 151 điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều.
Đáng chú ý, dự thảo quy định: Thẩm phán bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải lập tức thông báo để Chánh án TAND Tối cao có ý kiến; việc bị bắt, giam, giữ... Nếu Thẩm phán TAND Tối cao bị tạm giữ vì phạm tội quả tang, bị bắt, khởi tố, khám xét,… thì cơ quan tạm giữ, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải báo cáo để Chủ tịch nước biết.
Đây là đề xuất hoàn toàn mới so với quy định hiện hành của TAND Tối cao.
Báo cáo thẩm tra dự án luật tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua,Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng Hiến pháp 2013 không quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền nêu trên. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở,… của Thẩm phán, kể cả Thẩm phán TAND Tối cao đều được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vì vậy, việc đề xuất quy định một số “quyền miễn trừ” đối với Thẩm phán và Thẩm phán TAND Tối cao là chưa phù hợp.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng xét xử là hoạt động đặc thù của Tòa án, nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch nước cần được biết nếu Thẩm phán TAND Tối cao vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự, bị khởi tố, bắt giam. Tương tự, Chánh án TAND Tối cao cần được biết nếu Thẩm phán có vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự, bị khởi tố, bắt giam...
Giải trình về nội dung này,Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, quy định về việc báo cáo, thông báo là để người được báo cáo, thông báo biết, chứ không phải "quyền miễn trừ". Theo đó, trước đây dự thảo luật dùng từ “cho ý kiến”. Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tư pháp, cơ quan soạn thảo sửa lại là “báo cáo” và “thông báo”.
“Dùng từ “thông báo” cho Chủ tịch nước thì có gì đó không phù hợp lắm nên chúng tôi dùng từ “báo cáo” Chủ tịch nước. Quy định pháp luật cho phép bắt giữ Thẩm phán TAND Tối cao nếu vi phạm pháp luật. Dự thảo đề xuất phải báo cáo vì Chủ tịch nước là người bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TAND Tối cao. Tương tự, nếu bắt Thẩm phán thì phải thông báo cho Chánh án TAND Tối cao biết để có hình thức kỷ luật phù hợp. Việc thông báo cho Chánh án biết hay báo cáo Chủ tịch nước mang ý nghĩa là cơ quan quản lý người đó cần phải biết để phối hợp. Giống như quy định của Đảng, bắt đảng viên vi phạm pháp luật thì phải báo cáo cho tổ chức Đảng để phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, chứ không phải là ngăn cản không được bắt”,ông Bình cho biết.
PV
Người chấp hành xong hình phạt tù được vay tín dụng bao nhiêu tiền?