Để chuẩn bị triển khai hiệu quả Luật BHXH 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, từ đó làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất 02 phương án quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.
Phương án 1: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng trên mà có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.
Phương án 2: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.
Cùng với đó, dự thảo Nghị định cũng quy định việc tham gia BHXH bắt buộc trong trường hợp đối tượng quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH đồng thời thuộc nhiều đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH; Quy định đối tượng hưởng trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc quy định tại điểm a khoản 7 Điều 2 của Luật BHXH.
Về đăng ký tham gia BHXH và cấp sổ BHXH, dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng quy định tại các điểm m, n, g và h khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH, đây là các nhóm đối tượng đặc thù không có người sử dụng lao động như các đối tượng khác.