/ Đời sống - Xã hội
/ Đề xuất 03 hướng xử lý việc thu BHXH bắt buộc không đúng quy định với các chủ hộ kinh doanh cá thể

Đề xuất 03 hướng xử lý việc thu BHXH bắt buộc không đúng quy định với các chủ hộ kinh doanh cá thể

06/06/2023 10:42 |

(LSVN) - Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, có 03 hướng xử lý việc thu BHXH bắt buộc không đúng quy định với các chủ hộ kinh doanh cá thể.

Ảnh minh họa.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, ngày 06/6, liên quan đến nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực LĐ-TB&XH, Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thuý (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về việc thu BHXH bắt buộc không đúng quy định với các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời, Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm cũng như hướng giải quyết.

Trả lời Đại biểu Ma Thị Thúy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề này đã được nêu trong báo cáo của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Theo đó, báo cáo nêu rõ, qua giám sát cho thấy, theo quy định của pháp luật về BHXH, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng từ tháng 01/2003 đến tháng 12/2021, cơ quan BHXH nhiều địa  phương đã thu BHXH bắt buộc đối với những trường hợp này. Theo số liệu của  BHXH Việt Nam, tại thời điểm tháng 9/2016 đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, ngành BHXH đã thu BHXH bắt buộc đối với số lượng lớn chủ hộ kinh doanh cá thể trên hầu  hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.  

Do việc thực hiện BHXH bắt buộc không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc  để hưởng chế độ BHXH, đặc biệt có nhiều trường hợp đã đóng BHXH được gần  20 năm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, việc thu sai này diễn ra từ năm 2003 đến 2016, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phát hiện, chấn chỉnh và cơ bản đã được giải quyết. Theo đó, 08 đoàn kiểm tra, thanh tra tại một số địa phương xung quanh vấn đề này cũng vừa kết thúc. Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương khảo sát các địa phương sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và lấy ý kiến góp ý  hồ sơ dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó có nội dung cơ quan BHXH thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh.

“Đây là nội dung chưa được quy định trong luật nên cần đánh giá rất cụ thể. Quan điểm cá nhân thì tôi cho rằng phải đặt lợi ích cửa người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai phải xin lỗi và xử lý theo quy định”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu 03 hướng giải quyết: Thứ nhất là đề xuất chuyển toàn bộ số hộ này sang diện BHXH bắt buộc để đảm bảo quyền lợi; thứ hai, nếu hộ kinh doanh không có nhu cầu sang BHXH bắt buộc thì chuyển sang tự nguyện; thứ ba, cả người lao động và cơ quan không đồng ý thì phải thoái thu, trả lại tiền cho người lao động và có tính lãi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, phải đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu, nên khuyến khích, điều chỉnh chính sách chuyển sang BHXH bắt buộc là tốt nhất, đảm bảo về già có lương hưu và có cuộc sống ổn định.

QUÝ NGUYÊN

Đề xuất biện pháp can thiệp khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt

Nguyễn Hoàng Lâm