Ảnh minh họa.
Ngày 19/6, trước Quốc hội, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình dự thảo Luật Phòng không nhân dân (PKND).
Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, trên cơ sở 05 chính sách đã được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật PKND được xây dựng gồm 08 Chương với 54 Điều.
Về sự cần thiết của ban hành luật, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, việc ban hành Luật PKND là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo dự thảo Luật, có 04 trường hợp, cơ quan có thẩm quyền được tạm giữ, thu giữ, chế áp máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ gồm: Bay khi không có giấy phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay mà cơ quan có thẩm quyền đã cảnh báo vẫn cố tình bay vào.
Xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.
Các hoạt động bay nhằm mục đích tuyên tuyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ mang theo các chất cháy, chất nổ, chất gây nổ, vũ khí sinh học hoặc các chất cấm.
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành luật.
Về khái niệm "tàu bay không người lái" và "phương tiện bay siêu nhẹ", có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nội dung "cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của người lái" trong khái niệm "tàu bay không người lái".
Đồng thời, cân nhắc, không liệt kê cụ thể các phương tiện trong khái niệm "phương tiện bay siêu nhẹ" mà quy định thống nhất với các khái niệm "tàu bay không người lái" gắn với những tính năng, đặc điểm, thuộc tính cơ bản của loại phương tiện này, nhằm phân biệt rõ với khái niệm "tàu bay không người lái" làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết và thống nhất trong quản lý.
Xác định phương tiện bay siêu nhẹ có bao gồm các loại khí cầu bay có người điều khiển hoặc khí cầu bay không có người điều khiển hay không để làm cơ sở cho việc quy định các biện pháp quản lý phù hợp.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể, bảo đảm tính thống nhất với các nội dung trong dự thảo Luật; thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Về đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, một số ý kiến cho rằng, điểm c, khoản 2 quy định về điều kiện đối với người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và có kiến thức về hàng không là chưa phù hợp với thực tiễn, vì hiện nay tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đang được sử dụng rộng rãi cho các mục đích khác nhau.
Nghiên cứu, quy định theo hướng tùy từng loại phương tiện bay để quy định về độ tuổi điều khiển và điều kiện khai thác, sử dụng cho phù hợp; gắn kết hài hòa lợi ích quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ về điều kiện đăng ký, cấp phép (thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục) quy định tại khoản 1 và khoản 3, Điều này; nghiên cứu phân cấp quản lý cấp phép bay theo từng cấp cho chặt chẽ, thống nhất.
Có ý kiến cho rằng, khi cấp phép, đăng ký và quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ cần tính đến yếu tố cự ly, khoảng cách bay để quy định cho phù hợp.
Quy định tại điểm a, khoản 4 là chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau về các trường hợp được miễn giấy phép bay; nghiên cứu, bổ sung quy định về đăng kiểm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ cho phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung quy định tại Điều này; tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên, rà soát các luật khác liên quan để quy định thống nhất, khả thi.
TRẦN MINH (t/h)
Đề xuất bổ sung quy định quản lý xe điện vào Luật Phòng cháy, chữa cháy