Ảnh minh hoạ.
Theo đó, nhóm chính sách được Bộ này đề xuất, gồm: (1) Chính sách về việc lập phương hướng xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp trong quy hoạch vùng; (2) Phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh; (3) Chính sách quy định về điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thành lập khu kinh tế; (4) Ưu đãi đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; (5) Các dự án đầu tư thực hiện liên kết ngành tại khu kinh tế, khu công nghiệp…
Đặc biệt, Dự án Luật đề xuất chính sách thúc đẩy sự phát triển của các loại hình khu công nghiệp mới, khu kinh tế mới, khu chức năng mới trong khu kinh tế…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, loại hình khu kinh tế, khu công nghiệp đã có những bước phát triển cả về số lượng, quy mô diện tích và vốn đầu tư, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, từ kết quả thực tiễn của hàng chục cuộc kiểm toán cho thấy, quá trình xây dựng và phát triển mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp bộc lộ nhiều "nút thắt" hạn chế sự phát triển của mô hình này và cần thiết phải tháo gỡ.
Cụ thể, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế hiện được quy hoạch dàn trải theo địa giới hành chính, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của địa phương và hiệu quả sử dụng nguồn lực (đất đai, tài nguyên, nhân lực…), dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.
Ngoài ra, một số khu kinh tế, khu công nghiệp thực hiện điều chỉnh, mở rộng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện, chưa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết… Số lượng khu kinh tế, khu công nghiệp thời gian qua tăng nhanh trong khi chưa có nghiên cứu, đánh giá việc triển khai thí điểm và tính toán toàn diện, cân đối nguồn lực huy động cho khu kinh tế, khu công nghiệp.
PV