Ảnh minh họa.
Đây là đề xuất đáng chú ý được Bộ GTVT đưa ra tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (Nghị định 65/2016/NĐ-CP, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 119/2021/NĐ-CP).
Theo đó, Bộ GTVT cho biết, việc sử dụng ô tô cũ (chất lượng kém) dùng cho việc đào tạo, sát hạch lái xe tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong đào tạo, sát hạch lái xe.
Tại dự thảo, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi khoản 2, Điều 6 (khoản 2, Điều 2, Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27/9/2022) về xe tập lái trong quy định điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đào tạo lái xe ô tô như sau:
Có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa thực hiện sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy thực hành lái xe.
Ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo. Xe tập lái hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất); xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn theo quy định tại Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người.
Bộ GTVT cho hay, hiện nay trên toàn quốc hiện có xấp xỉ 41.000 xe tập lái (trong đó, xe tập lái hạng B chiếm 80% tổng số xe tập lái) và xấp xỉ 4.300 xe sát hạch (trong đó, xe sát hạch hạng B chiếm 90% tổng số xe sát hạch). Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4, Nghị định 95/2009/NĐ-CP về niên hạn sử dụng đối với các loại xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người, phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng với xe tập lái và xe sát hạch hạng C, D và E. Trong đó, hạng C không quá 25 năm, hạng D và E không quá 20 năm.
Xe tập lái và xe sát hạch hạng B dù chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng số xe, nhưng lại không thuộc đối tượng áp dụng niên hạn xe ô tô.
Ngoài ra, người điều khiển các loại phương tiện trên (học viên) chưa có đầy đủ kỹ năng, nên khả năng xử lý tình huống đối với phương tiện cũ thường yếu, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trong quá trình thực hành lái.
Từ thực tiễn đã nêu, Bộ GTVT đề xuất áp dụng niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch hạng B1, B2, FB.
Theo lý giải của Bộ GTVT, quy định này nhằm đảm bảo tính đồng nhất trong quản lý hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, vốn là dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
Quan trọng hơn, bổ sung niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông đường bộ.
Đề xuất như dự thảo Nghị định cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe; thực hiện cam kết của Việt Nam đang cắt giảm khí thải để góp phần thúc đẩy Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Cho ý kiến đối với dự thảo của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với quy định trên. Theo Bộ Tư pháp, việc phải thay thế hàng loạt xe tập lái, xe sát hạch sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Đồng thời, quy định mới có thể gây ách tắc cho hoạt động đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe nếu doanh nghiệp chưa kịp, hoặc chưa đủ điều kiện mua mới xe tập lái, xe sát hạch và thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan, trong khi xe đang sử dụng đã hết niên hạn.
HỒNG QUÂN
Căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo pháp luật hiện hành