Ảnh minh họa.
Dự thảo nghị định được xây dựng trên quan điểm tiếp thu có chọn lọc ý kiến phản ánh của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình triển khai các quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ- CP, qua đó đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp các quy định hiện hành.
Đồng thời, các nội dung quy định trong dự thảo Nghị định không chồng chéo, trùng lắp và không mâu thuẫn với quy định của các Luật, Nghị định khác; bảo đảm tính công khai, minh bạch và khả thi để triển khai thực hiện.
Theo đó, dự thảo Nghị định đề xuất 5 chính sách mới gồm:
- Chính sách 1: Quy định về cấp có thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư;
- Chính sách 2: Quy định các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án
- Chính sách 3: Bổ sung, điều chỉnh một số nội dung về thẩm định thiết kế, dự toán dự án không có cấu phần xây dựng.
- Chính sách 4: Sửa đổi quy định về việc xử lý kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương hàng năm không giải ngân hết được phép kéo dài thời gian thực hiện.
- Chính sách 5: Bổ sung một số trường hợp kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn hàng năm, thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch hàng năm vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua hơn 03 năm triển khai, các quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng và cần thiết trong việc thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án; triển khai thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; quản lý hoạt động đầu tư công thông qua việc áp dụng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số vướng mắc, chủ yếu do: Chưa có cách hiểu thống nhất với cùng một vấn đề; một số nội dung được quy định tại Nghị định nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tuy nhiên qua phản ánh thì khó triển khai trên thực tế.
Do đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ là cần thiết nhằm hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý chắc chắn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong triển khai kế hoạch đầu tư công, giảm thiểu thủ tục hành chính và sự lúng túng, e ngại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, thông qua đó góp phần thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, sớm đưa các công trình, dự án vào khai thác, sử dụng, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
HÀ ANH
Đề xuất quy định về sử dụng dữ liệu thủ tục hành chính điện tử