/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất bổ sung Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC là đối tượng cảnh vệ

Đề xuất bổ sung Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC là đối tượng cảnh vệ

17/10/2022 15:08 |

(LSVN) – Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ của Bộ Công an. Theo đó, Bộ Công an đã bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Công an, việc đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC là nhằm đảm bảo thống nhất 3 cơ quan quyền lực Nhà nước là: Lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Theo quy định hiện hành về đối tượng cảnh vệ, người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp đều có chế độ bảo vệ. Do vậy, cần bổ sung người đứng đầu cơ quan tư pháp vào đối tượng cảnh vệ để đảm bảo thống nhất và cân bằng cả 3 cơ quan quyền lực Nhà nước.

Đồng thời, pháp luật hiện nay quy định ba nhóm đối tượng cảnh vệ, gồm: Con người, khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng. Trong đó, đối tượng cảnh vệ là con người gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.

Khoản 1 Điều 10 Luật Cảnh vệ 2017 quy định hiện Việt Nam đang có 37 cán bộ là đối tượng cảnh vệ, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng cần bổ sung thêm hai đối tượng cảnh vệ vào danh sách nêu trên, gồm Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC, trong đó Chánh án TANDTC hiện đang là Ủy viên Bộ Chính trị.

Bộ Công an cho biết, xuất phát từ tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ 2017 cũng như tình hình an ninh chính trị trên thế giới và trong nước, đặc biệt là một số vụ ám sát nhà lãnh đạo trên thế giới đã xảy ra gần đây. Đặc thù công việc của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do của con người, do đó mang tính rủi ro cao, cần được bảo vệ. Hơn thế, một số quốc gia trên thế giới hiện cũng quy định hai chức vụ này thuộc đối tượng cảnh vệ, điển hình như Đức và Canada.

Bên cạnh đó, tại Kết luận số 35 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở quy định Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngang hàng với Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

PHƯƠNG HOA

Bộ TT&TT đề xuất quy định mới về chế độ nhuận bút lĩnh vực báo chí, xuất bản

Lê Minh Hoàng