Dự thảo Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trợ giúp viên pháp lý.
Theo dự thảo, chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý gồm 3 hạng: Trợ giúp viên pháp lý hạng I, Trợ giúp viên pháp lý hạng II và Trợ giúp viên pháp lý hạng III.
Như vậy, dự thảo đã bổ sung trợ giúp viên pháp lý hạng I và kế thừa hạng II, hạng III theo Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV.
Bộ Tư pháp cho biết, trong 10 năm qua (từ khi thực hiện Thông tư số 06/2010/TT-BNV) đến nay đã có hơn 600 viên chức được bổ nhiệm và xếp vào chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp pháp lý (gần 60 trợ giúp viên pháp lý hạng II và tương đương, gần 600 trợ giúp viên pháp lý hạng III và tương đương). Thời gian tới, số lượng trợ giúp viên pháp lý hạng II sẽ tăng lên khi có các kỳ thi thăng hạng. Qua quá trình công tác, trợ giúp viên pháp lý hạng II sẽ tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm và sẽ đảm đương một số nhiệm vụ đòi hỏi có trình độ chuyên môn cao hơn với vai trò chỉ đạo, tổ chức và một số nhiệm vụ có tính chất phức tạp hơn như: thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, tham mưu cho Trung tâm trợ giúp pháp lý kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý… Do đó, đặt ra yêu cầu xây dựng chức danh nghề nghiệp hạng I đối với trợ giúp viên pháp lý.
Cùng với việc bổ sung chức danh, dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định tiêu chuẩn chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I. Tiêu chuẩn này được xây dựng mới theo hướng đây là hạng cao nhất trong hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý.
Về tiêu chuẩn chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II và hạng III, dự thảo cơ bản kế thừa nội dung Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV, có sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành và tính chất công việc trợ giúp pháp lý.
Cụ thể, dự thảo bổ sung 02 tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng gồm: (1) có chứng chỉ đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư; (2) có giấy chứng nhận kết quả tập sự luật sư hoặc kiểm tra tập sự trợ giúp pháp lý để phù hợp với Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã lược bỏ tiêu chuẩn về năng lực nghiên cứu khoa học và đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
THANH THANH
Thẩm định viên về giá chỉ được đăng ký hành nghề tại 01 doanh nghiệp ở một thời điểm