/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

20/03/2023 10:14 |

(LSVN) - Vừa qua, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Điều 31 dự thảo quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

So với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định đối tượng là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; dân quân thường trực;

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đây là nội dung được đề xuất bổ sung;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

- Người lao động quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội. Đây là nội dung được đề xuất bổ sung;

- Chủ hộ kinh doanh. Đây là nội dung được đề xuất bổ sung;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương. Đây là nội dung được đề xuất bổ sung;

Theo dự thảo, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi:

- Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam trừ trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 169 Bộ luật Lao động hoặc thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia có quy định khác. Đây là nội dung được đề xuất bổ sung;

Người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội.

Các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội gọi chung là người lao động.

Theo đánh giá, những năm gần đây, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh sang khối du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; các mô hình, dịch vụ hợp tác xã phát triển nên số lượng lao động thuộc 3 nhóm đối tượng nêu trên có số lượng không nhỏ. Việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đến các nhóm đối tượng này được kỳ vọng sẽ góp phần mở rộng lưới an sinh xã hội cho người dân.

THU HƯƠNG

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay

Bùi Thị Thanh Loan