Tại dự thảo Luật sửa đổi đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 40 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014 về hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân theo Kết luận của Bộ Chính trị về việc không tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện như sau:
- Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).
- Viện Kiểm sát nhân dân khu vực.
- Viện Kiểm sát quân sự các cấp.
Như vậy, tại dự thảo Luật sửa đổi đã đề xuất bãi bỏ cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao và các quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan và chức vụ liên quan.

Ảnh minh họa.
Đồng thời tại dự thảo Luật sửa đổi cũng đề xuất bãi bỏ một số Điều tại Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014, cụ thể:
- Bãi bỏ Điều 44 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014 quy định về Cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao;
- Bãi bỏ Điều 45 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014 quy định về Ủy ban kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao;
- Bãi bỏ Điều 65 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014 quy định về Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao;
- Sửa đổi Điều 68 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014 quy định về Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Hiện hành, Điều 40 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014 quy định về hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân bao gồm:
- Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
- Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao.
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Viện Kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
- Viện Kiểm sát quân sự các cấp.