/ Tin tức
/ Đề xuất cá nhân từ 15 tuổi trở lên được tham gia tổ chức kinh tế hợp tác xã

Đề xuất cá nhân từ 15 tuổi trở lên được tham gia tổ chức kinh tế hợp tác xã

23/10/2022 05:54 |

(LSVN) - Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác với cá nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân; thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.

Ảnh minh họa.

Chiều ngày 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo dự án Luật gồm 12 chương, 111 điều; trong đó bãi bỏ 03 Điều, sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012, bám sát 05 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Dự thảo Luật làm rõ nội dung 07 nguyên tắc của Liên minh Hợp tác xã quốc tế, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc về giáo dục, tập huấn thường xuyên cho thành viên, người lao động.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác với cá nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân; thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.

Bổ sung đối tượng Tổ hợp tác và Liên đoàn hợp tác xã với các quy định mang tính nguyên tắc để định vị địa vị pháp lý của các tổ chức này, làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở đánh giá thực tiễn, mô hình thí điểm và học tập kinh nghiệm quốc tế.

Sửa đổi, làm rõ quy định cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng quyền sở hữu hoặc quyền tài sản khác đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải hay các tài sản bằng hiện vật khác cho tổ chức kinh tế hợp tác theo quy định của Điều lệ, quy định của pháp luật và quy định về định giá phần vốn góp; việc góp vốn bằng quyền tài sản khác thì không phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn từ thành viên sang tổ chức kinh tế hợp tác; cho phép thành viên được phép chuyển nhượng phần vốn góp và được tổ chức kinh tế hợp tác xác nhận.

Bổ sung quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia hằng năm tối thiểu 5% lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch bên ngoài. Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia không được chia lại cho thành viên trong quá trình hoạt động. Tăng tỉ lệ vốn góp tối đa của thành viên hợp tác xã từ 20% lên 30% vốn điều lệ, của thành viên liên hiệp hợp tác xã từ 30% lên 40% vốn điều lệ.

Cắt giảm thủ tục hành chính, bỏ yêu cầu về phương án sản xuất kinh doanh, về cấp con dấu; cho phép sử dụng số định danh cá nhân khi đăng ký kinh doanh. Nới lỏng quy định về đăng ký thay đổi khi vốn điều lệ thay đổi từ 05% hoặc từ 01 tỉ đồng trở lên mới phải đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh để phù hợp với đặc thù vốn điều lệ thay đổi khi thành viên ra, vào hợp tác xã thường xuyên, nhất là các quỹ tín dụng nhân dân.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, cần cân nhắc thận trọng việc cho phép thành lập các Liên đoàn hợp tác xã, vì việc thành lập một số Liên đoàn hợp tác xã mới ở giai đoạn nghiên cứu và xây dựng thí điểm.

Bên cạnh đó, quy định tại dự thảo Luật chưa đủ rõ ràng và còn sự chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn hợp tác xã và hệ thống liên minh hợp tác xã; các chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn hợp tác xã chưa bảo đảm tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước và quản trị hợp tác xã. Do đó, đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn quy định trong dự thảo Luật về nguồn hình thành quỹ, cơ chế vận hành quỹ và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở trung ương và ở cấp tỉnh nhằm bảo đảm một mặt phát huy tính tích cực của quỹ trong việc hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận vốn, nhất là tiếp cận vốn để đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, mặt khác cũng phải bảo đảm tính hiệu quả, công khai, minh bạch của quỹ này; tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của Ngân hàng Hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật đã khẳng định Bộ KH&ĐT giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về các tổ chức kinh tế hợp tác trong phạm vi cả nước; sở KH&ĐT là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về các tổ chức kinh tế hợp tác tại địa phương.

Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã, cũng cần nghiên cứu về việc tăng cường nguồn lực, nhất là nhân lực cho các sở KH&ĐT làm đầu mối về quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã tại địa phương; nghiên cứu về việc giao một số nội dung quản lý Nhà nước cụ thể có thể ủy quyền cho hệ thống liên minh hợp tác xã đảm nhận.

HOÀNG TRẦN

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: Không nên tăng lương theo kiểu bình quân, 'cào bằng'

Admin