/ Tích hợp văn bản mới
/ Đề xuất cả nước chia thành 7 vùng

Đề xuất cả nước chia thành 7 vùng

05/01/2021 18:05 |

(LSO) - Cả nước sẽ được chia thành 7 vùng kinh tế - xã hội thay vì 6 vùng như hiện nay. Trong đó tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ; đồng thời mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm 4 tỉnh và đổi tên.

Ngày 04/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai Luật Quy hoạch. 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, ngày 26/3 vừa qua, Bộ KH-ĐT có tờ trình báo cáo Thủ tướng về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đề xuất 6 phương án phân vùng.

Tiếp đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 14/5, Bộ KH-ĐT có tờ trình về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đề xuất 2 phương án phân vùng để lựa chọn.

Đề xuất chia 7 vùng kinh tế.

Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên 2 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long) đồng thời tách vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Bên cạnh đó tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào vùng Nam Trung bộ), điều chỉnh 1 tỉnh (Bình Thuận) sang vùng Đông Nam bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung bộ.

Ngoài ra, vùng Đông Nam bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận). Còn phương án 2, theo ông Phương, được xây dựng trên cơ sở phương án phân vùng giai đoạn 2011 - 2020 hiện nay, chỉ thực hiện tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: vùng Bắc Trung bộ và vùng Nam Trung bộ; đồng thời mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ.

Phát biểu sau đó, nhiều ý kiến đồng tình với phương án 2 được đưa ra tại phiên họp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc đưa 4 tỉnh trung du là Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang về vùng Đồng bằng sông Hồng và đưa Long An về vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

PGS. TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đề nghị xem xét cân nhắc việc đưa 4 tỉnh về vùng Đồng bằng sông Hồng vì 4 tỉnh này hiện nay là động lực phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc. “Nếu cắt mất đầu tàu thì vùng miền núi phía Bắc sẽ rất khó”, ông Hanh nói.

Cùng quan điểm này, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch Hà Nội, cho rằng việc “mở rộng” này sẽ khiến vùng Đồng bằng và trung du Bắc bộ có tới 15 tỉnh là “quá lớn”. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh sẽ không thích “về” nhưng vẫn phải thực hiện. Trong khi đó, GS. Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, thì cho rằng, Long An và cả Tiền Giang thực chất không nằm trong lưu vực sông Cửu Long mà thuộc về khu vực Đông Nam bộ. “Có lẽ ta nên liều một tí, đưa Long An, Tiền Giang về miền Đông Nam bộ thì TP. HCM mới là trung tâm gắn kết vùng được”, ông Thái đề xuất.

LOAN BÙI

/tong-cuc-du-lich-xin-400-ve-may-bay-bieu-hien-cua-viec-loi-dung-chuc-vu-quyen-han.html