/ Tích hợp văn bản mới
/ Đề xuất các hành vi bị nghiêm cấm tại dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp

Đề xuất các hành vi bị nghiêm cấm tại dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp

29/11/2024 11:07 |

(LSVN) - Bộ Quốc phòng đang dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tình trạng khẩn cấp là khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn đe dọa hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Nhân dân, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì cấp có thẩm quyền ban bố, công bố các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn; hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, dự thảo đề xuất các hành vi bị nghiêm cấm gồm:

- Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong tình trạng khẩn cấp.

- Cố ý gây thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân, cơ quan, tổ chức; ảnh hưởng đến môi trường, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh; bỏ trốn sau khi gây thảm họa, gây mất trật tự công cộng, tạo chướng ngại vật nguy hiểm, cản trở hoặc chống lại người thi hành nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.

- Lợi dụng tình trạng khẩn cấp để trục lợi, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

- Đưa thông tin không chính xác, thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, gây khó khăn cho công tác khắc phục hậu quả của cơ quan có thẩm quyền trong tình trạng khẩn cấp.

Theo dự thảo, công dân có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong tình trạng khẩn cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ, người nào vi phạm quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm trong thi hành Nghị quyết ban bố hoặc Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Quốc phòng, Hiến pháp năm 2013 quy định "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" (khoản 2 Điều 14), trong khi đó, nhiều biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp đang được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000.

Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chính phủ "sớm nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh".

Do đó, Bộ Quốc phòng đã xây dựng dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

DUY ANH

Các tin khác