Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, dự thảo này đã bổ sung quy định về chứng nhận chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch), trên đất thương mại, dịch vụ.
Theo quy định của pháp luật, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước đó, tháng 02/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ gửi các Sở Tài nguyên và Môi trường của các địa phương hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở, trong đó đã có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch.
Tuy nhiên, thực tế triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các công trình nêu trên gặp nhiều khó khăn tại các địa phương. Có địa phương chưa triển khai thực hiện được việc cấp giấy chứng nhận hoặc có địa phương đã triển khai thực hiện được việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các công trình, nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật (như xác định loại đất là đất ở hoặc đất ở không hình thành đơn vị ở với thời hạn sử dụng lâu dài), dẫn đến ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư cũng như của người nhận chuyển nhượng quyền sở hữu.
Để thống nhất trong cách triển khai thực hiện tại các địa phương, giải quyết những khó khăn,vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận cho các loại công trình này, Dự thảo đã bổ sung 01 điều (Điều 32a) quy định về chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại, dịch vụ, với những nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) được chứng nhận quyền sở hữu phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng; Luật Kinh doanh bất động sản.
Thứ hai, việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn,văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch trên đất thương mại, dịch vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này.
Thứ ba, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo Công văn hướng dẫn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng như Dự thảo đều quy định việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch, nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại, dịch vụ với thời hạn thuê đất không quá 50 năm, đồng thời phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản.
Đến thời điểm này không có việc xây dựng dự thảo luật, nghị định theo hướng hợp thức hóa cho những sai phạm trước đây của các địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch có xác định loại đất là đất ở hoặc đất ở không hình thành đơn vị ở với thời hạn sử dụng lâu dài theo đề nghị của các chủ đầu tư dự án khu du lịch.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở như sau: Về chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất Theo quy định tại Điều 48 của Luật Du lịch năm 2017 thì căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch và việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú,ăn uống quy định tại Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 10 của Luật Đất đai và quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì việc sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ. Về chế độ sử dụng đất thương mại, dịch vụ đã được quy định tại Điều 153 của Luật Đất đai, thời hạn sử dụng đất được quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai. Theo đó thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm, đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm; khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất. |
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ