/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream

Đề xuất chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream

04/11/2022 08:27 |

(LSVN) - Trả lời chất vấn với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông vào sáng 04/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ quy định rõ, livestream chỉ dành cho những người được định danh trên môi trường số; người thực hiện livestream phải công bố địa điểm, thời gian; livestream bán hàng có thu phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh cho biết, nhiều cử tri đánh giá rất cao bộ đã tập trung cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số…nhưng đồng thời, cũng cho rằng, chính vì thế mà bộ chưa quan tâm tập trung cho công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội nên để các vụ việc xảy ra thì mới tiến hành thanh tra, kiểm tra và dẫn đến báo hóa mạng xã hội… gây lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng khi thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao lại như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào? Và cơ quan có thẩm quyền của bộ đã xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra việc đó ra sao? Bộ có rút kinh nghiệm gì về việc trên?

Trả lời chất vấn trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mạng xã hội của đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bộ vẫn coi thể chế là một trong những nội dung quan trọng trong xử lý các vi phạm trên môi trường mạng. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề thể chế đi sau, như xử lý vụ livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, khi chưa có quy định pháp luật nào về quản lý hành vi livestream.

Cơ quan chức năng đã dùng những thể chế cũ, xử phạt hành chính 2 lần, sau đó chuyển cơ quan Công an xử lý hình sự và đang thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng sẽ quy định rõ, livestream chỉ dành cho những người được định danh trên môi trường số; livestream phải công bố địa điểm, thời gian; livestream bán hàng có thu phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.

Tranh luận tại Phiên chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời vì sao lại xảy ra tình trạng mạng xã hội báo hóa; việc chậm trễ, lúng túng trong việc xử lý vụ việc vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng trên lĩnh vực mạng xã hội và trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như việc xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra việc này?

Lặp lại một số vụ việc mà cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin truyền thông đã xử lý vi phạm trên mạng xã hội, đại biểu Lê Hoàng Anh nhận thấy, các cơ quan xử lý rất nhanh chứ không như Bộ trưởng nói rằng là thiếu hành lang pháp lý. Đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Liệu vụ việc xảy ra như vậy có phải chăng là những người vi phạm có ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ xử lý chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau hay không và đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm về vấn đề này?

Bộ trưởng Hùng cho rằng khi bà Nguyễn Phương Hằng livestream, lúc đó là một công nghệ hoàn toàn mới, thể chế hiện chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, đòi hỏi cơ quan chức năng phải dùng những hình thức khác để xử lý, phạt hành chính, sau đó chuyển cơ quan có thẩm quyền.

"Bây giờ chúng ta đưa vào Nghị định thì chắc chắn sẽ xử lý gọn gàng, quy định rất rõ như tôi vừa nói", Bộ trưởng Hùng nói, khẳng định không có chuyện chậm chạp xử lý đối với người có tiền như đại biểu đề cập.

PV

Bị can cần nộp bao nhiêu tiền thì được tại ngoại?

Admin