/ Pháp luật - Đầu tư
/ Đề xuất chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với nuôi biển

Đề xuất chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với nuôi biển

11/05/2022 03:03 |

(LSVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, Bộ đề xuất chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với nuôi biển.

Ảnh minh họa.

Theo dự thảo, đối tượng được hỗ trợ là cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển; cơ sở sản xuất giống cá biển. Điều kiện hỗ trợ được đề xuất như sau:

- Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển đáp ứng các điều kiện sau: Đã được cấp giấy phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển và được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; quy mô nuôi tối thiểu 05 ha hoặc có 10 lồng bè nuôi (thể tích lồng bè tối thiểu 1.000 m3/lồng) hoặc công suất tối thiểu 300 tấn sản phẩm nuôi/năm; sử dụng vật liệu composite, HDPE làm lồng bè nuôi; bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường; sử dụng tối thiểu 30% lao động đăng ký thường trú tại tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, nơi chủ cơ sở thực hiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển.

- Cơ sở sản xuất giống cá biển đáp ứng các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; công suất sản xuất 05 triệu giống/năm trở lên; bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

Mức hỗ trợ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Đầu tư mới cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển: 01 triệu đồng cho 01 m3 lồng bè nuôi ở vùng biển ngoài 06 hải lý, ven đảo theo quy định; 0,4 triệu đồng cho 01 m3 lồng bè ở vùng biển từ 03 đến 06 hải lý theo quy định.

Cơ sở sản xuất giống cá biển: Hỗ trợ không quá 30% giá trị đầu tư mới hoặc nâng cấp, nhưng không quá 10 tỉ đồng/cơ sở đầu tư mới, không quá 05 tỉ đồng/cơ sở nâng cấp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nuôi trồng thủy sản biển tuy đã phát triển rộng rãi trên nhiều vùng của đất nước nhưng nghề nuôi biển Việt Nam mới ở trình độ thấp, tập trung chủ yếu ở khu vực ven bờ và đã bộc lộ một số bất cập như: Còn manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng thiếu và yếu; việc cung cấp con giống, thức ăn, công nghệ nuôi nhiều hạn chế; chưa hình thành được các chuỗi giá trị, chưa có thị trường ổn định; phải đối mặt với không ít những rủi ro về thiên tai, môi trường và dịch bệnh; nuôi biển ven bờ còn chồng lấn với các ngành khác như giao thông, du lịch,… dẫn đến phát triển chưa bền vững.

Đề xuất trên được áp dụng sẽ thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần giải quyết những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính nhu cầu kinh phí từ ngân sách Nhà nước để triển khai thực hiện hỗ trợ 1 lần sau đầu tư cho nuôi biển khoảng 4.300 tỉ đồng.

MAI HUỆ

Điều kiện vay vốn với trường mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng Covid-19

Lê Minh Hoàng