Đề xuất cho phép doanh nghiệp được ký hợp đồng với đơn vị y tế để ứng phó chống dịch.
Theo đó, Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp được ký hợp đồng với đơn vị y tế đủ năng lực để xử trí các vấn đề phòng, chống dịch, nếu không tự thiết lập được bộ phận chuyên môn y tế tại đơn vị.
Qua 2 cuộc khảo sát trên diện rộng do Ban IV và báo VnExpress tiến hành trong tháng 10/2021 cho thấy: Những tín hiệu tích cực của việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động sau khi Chính phủ ban hành và áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP. Đó là chuyển trạng thái phòng chống dịch trên toàn quốc sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh”.
Trong 3.440 doanh nghiệp tham gia khảo sát online, số doanh nghiệp “đang hoạt động” chiếm tỉ lệ 39%, cao hơn gấp 2 lần so với tỉ lệ này trong báo cáo tháng 08/2021. Trong tổng số 8.835 người lao động trả lời khảo sát online, tỉ lệ số người trả lời hiện đang có việc là 47%, tăng gần 10 điểm phần trăm so với tỉ lệ người có việc ở khảo sát tháng 08/2021.
Theo Ban IV, mức độ ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần 4 tại Việt Nam tới hoạt động của doanh nghiệp là rất lớn; đồng thời do tình hình các chuỗi cung ứng trên thế giới cũng vẫn đang đứt gãy, chưa phục hồi hoàn toàn nên doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn.
Cụ thể, 30% số doanh nghiệp trả lời cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nói chung và đặc biệt các lao động có trình độ chuyên môn. Hơn 45% doanh nghiệp cho là phải đưa ra mức thu nhập cao hơn so với trước dịch để thu hút lao động trở lại. Bên cạnh khó khăn về thiếu lao động, chi phí cho lao động tăng và khó khăn cố hữu như: Vốn lưu động; giá nguyên liệu đầu vào tăng; cầu thị trường yếu chưa đảm bảo kinh doanh có lãi; chi phí xét nghiệm cho lao động.
59,3% người lao động tham gia khảo sát cho biết, không có nguồn tiết kiệm để hỗ trợ cuộc sống trong bối cảnh dịch, phải dựa vào vay nợ hoặc trông chờ sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội; 41% không tìm được việc; 59% mong muốn được ký hợp đồng lao động nếu có việc mới, 54% muốn đề nghị doanh nghiệp phải có cam kết đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm tự nguyện.
Qua trao đổi, thảo luận với lãnh đạo của gần 40 Hiệp hội doanh nghiệp, Ban IV đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số nội dung:
Thứ nhất, về việc tạo lập môi trường làm việc an toàn và năng lực y tế trong doanh nghiệp để duy trì liên tục sản xuất kinh doanh. Ngoài việc doanh nghiệp tự chủ để cải thiện môi trường làm việc và các quy trình nội bộ, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế đồng ý cho doanh nghiệp có thể được ký hợp đồng với các đơn vị y tế đủ năng lực để xử trí các vấn đề phòng, chống dịch nếu không tự thiết lập được bộ phận chuyên môn y tế tại đơn vị; ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại doanh nghiệp.
Thứ hai, kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét cải thiện các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến thời gian, chế độ làm việc của người lao động trong bối cảnh dịch; đặc biệt quy định giờ làm thêm của người lao động để doanh nghiệp có điều kiện bố trí nhân lực đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng các đơn hàng bị chậm trong thời gian qua; xem xét điều chỉnh giảm mức đóng BHXH đi kèm với việc phát triển các quỹ Bảo hiểm hưu trí (BHHT) tự nguyện với những cơ chế linh hoạt cho phép người lao động được vay từ quỹ BHHT khi gặp khó khăn về tài chính. Đây có thể là giải pháp hạn chế việc rút BHXH một lần của người lao động; đồng thời là giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm một chính sách để thu hút hoặc giữ chân người lao động.
Thứ ba, kiến nghị Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ đủ sâu, đủ rộng, có tính toán tới đặc thù của từng ngành và triển khai ngay trong đầu năm 2022 nhằm tạo đà cho doanh nghiệp có sức phục hồi và bứt phá, tận dụng được cơ hội mang lại từ Nghị quyết 128/NQ-CP.
TRẦN MINH
Nghiên cứu đề xuất xây dựng Chiến lược phát triển ngành xe nhiên liệu sạch tại Việt Nam