/ Kinh tế - Pháp luật
/ Đề xuất cho phép người bệnh mua thuốc, vật tư y tế còn nhiều bất cập

Đề xuất cho phép người bệnh mua thuốc, vật tư y tế còn nhiều bất cập

18/12/2023 15:55 |

(LSVN) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có phản hồi về dự thảo Thông tư thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của Bộ Y tế.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo dự thảo, việc thanh toán chi phí trực tiếp cho người tham gia BHYT được thực hiện khi người bệnh (hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp) mua thuốc, vật tư y tế tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh và hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực. Để được thanh toán, người bệnh xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư được bác sĩ chỉ định kèm hóa đơn đã mua hợp lệ để làm căn cứ, chứng từ. 

Đề xuất này hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập do theo quy định, cơ sở khám chữa bệnh BHYT có trách nhiệm phải cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh đúng quy định để đảm bảo người bệnh được điều trị hiệu quả, an toàn và được phục vụ tốt nhất, nhanh nhất. Việc người bệnh phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Người bệnh không chỉ tự “bỏ tiền túi” để mua thuốc mà còn dễ gặp các rủi ro như: Chất lượng thuốc khó đảm bảo, giá thuốc bất hợp lý… làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và an toàn điều trị của người bệnh.

Chưa kể, nhiều trường hợp bị bệnh nặng, cấp cứu không có người thân đi cùng, thời điểm giữa đêm khuya hoặc người bệnh không có tiền… sẽ rất khó khăn trong việc phải tự đi mua thuốc, vật tư y tế.

Dù cơ quan bảo hiểm xã hội có cố gắng thì vẫn không thể thanh toán trực tiếp ngay cho người bệnh vì người bệnh sau khi kết thúc đợt khám chữa bệnh mới nộp hồ sơ đề nghị thanh toán, cơ quan bảo hiểm xã hội phải có thời gian để giám định xác định chi phí thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT thì mới thực hiện thanh toán được cho người bệnh. Quy định này đã phá vỡ ý nghĩa về chia sẻ rủi ro của BHYT, gây mất niềm tin của người tham gia BHYT.

Mặt khác, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã được các cấp, các ngành tập trung vào cuộc tháo gỡ. Đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản như: Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu, tháo gỡ điểm nghẽn về đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

Theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, để có nguồn kinh phí hoạt động cho cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội đều thực hiện tạm ứng từ đầu mỗi quý và sẽ thực hiện thanh quyết toán chi phí cho cơ sở khám chữa bệnh vào quý sau. Từ nguồn kinh phí này, trách nhiệm của cơ sở y tế phải cung cấp đầy đủ thuốc và vật tư y tế cho người tham gia BHYT theo đúng quy định, không để người bệnh tự đi thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế, sau đó cơ sở khám chữa bệnh sẽ quyết toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, để tạo thuận lợi cho người bệnh được đảm bảo quyền lợi BHYT ngay tại cơ sở khám chữa bệnh và vì tính an toàn điều trị của người bệnh, Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm, đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế đầy đủ theo quy định. Mặt khác, thay vì áp dụng chung với tất cả các trường hợp, Bộ Y tế cũng cần xác định đâu là trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo đúng quy định tại Luật BHYT và có hướng dẫn thanh toán theo hướng quy định cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh, tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm kịp thời quyền lợi của người bệnh, không gây khó cho người bệnh.

Nguyễn Mỹ Linh