Ảnh minh họa.
Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Trong đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tiếp tục được các Đại biểu Quốc hội đặt ra.
Theo đó, liên quan tới vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đánh giá cao những kết quả đạt được trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế xã hội có nhiều khó khăn, nhưng cũng nêu nhiều kiến nghị từ ý kiến của cử tri.
Tiêu biểu là tình trạng vẫn còn có nơi, có thời điểm thiếu thuốc và vật tư y tế khiến người bệnh phải mua thuốc bên ngoài, dù các loại thuốc, vật tư đó có trong danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế.
Theo Đại biểu, thiếu thuốc và vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm không phải là lỗi của người dân, cần có cơ chế để trả lại tiền cho những người đã phải bỏ tiền túi để mua thuốc bên ngoài trong thời gian qua.
Về đầu tư công, Đại biểu đề nghị cần có quy định chi tiết và đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho lĩnh vực này làm cơ sở thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân lấy ví dụ nhiều địa phương đầu tư nâng cấp bệnh viện huyện, tỉnh, trong đó có đầu tư trang thiết bị y tế, nhưng chưa có quy định về tiêu chuẩn định mức nên chưa thể thực hiện.
Góp ý tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cũng nêu câu hỏi bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì để chi trả tiền cho người dân phải tự mua thuốc bên ngoài? Vì đây là quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, còn lỗi là của cơ quan chức năng.
Theo đó, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Chính phủ có báo cáo rõ hơn về cung ứng thuốc, vật tư y tế, vào cuộc cùng ngành y tế để có giải pháp thực hiện, giải quyết gốc rễ các đòi hỏi đặt ra. Đại biểu cũng nêu câu chuyện về cập nhật các loại thuốc, vật tư y tế mới là thành tựu mới nhất của nhân loại vào danh mục hưởng bảo hiểm y tế, bởi Đại biểu cho rằng, một số nước tiên tiến chỉ mất vài tháng đến trên 01 năm để cập nhật vào danh mục, còn nước ta phải mất từ 02 - 04 năm là khá chậm, ảnh hưởng tới nhu cầu chính đáng của người bệnh.
Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) thì đề nghị cần giải quyết tồn đọng ở một số dự án, trong đó có cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đặt tại Hà Nam để các cơ sở y tế này đi vào hoạt động.
Ngoài ra, một số Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần bố trí nguồn lực hợp lý để đào tạo, phát triển nhân lực ngành y. Đồng thời, cần có đánh giá, chấn chỉnh các cơ sở đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành y tế.
QUÝ NGUYỄN