Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký. Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án.
- Phương án 1 gồm chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; và nhóm không kê khai mà có đề nghị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Phương án 2 gồm chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký và có đề nghị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ảnh minh hoạ.
Góp ý về nội dung này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị bổ sung lộ trình thực hiện đối với chủ độ của hộ kinh doanh có đăng ký. Theo đó, từ ngày 01/7/2025, chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký, nộp thuế theo phương pháp kê khai sẽ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nhóm chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký, nộp thuế theo phương pháp khoán sẽ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01/7/2027. Riêng nhóm chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh khác ngoài hai đối tượng nêu trên, sẽ tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01/7/2029.
Trường hợp các chủ hộ đăng ký kinh doanh theo phương pháp kê khai, nhưng trước ngày 01/7/2027 chuyển thành nhóm nộp thuế theo phương pháp khoán, hoặc trước ngày 01/7/2029 không còn nằm trong nhóm kê khai lẫn nhóm khoán, thì vẫn tiếp tục phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định. Đối với chủ hộ kinh doanh có đăng ký, nộp thuế theo phương pháp khoán, nhưng trước ngày 01/7/2029 chuyển thành nhóm khác ngoài các nhóm trên, thì cũng thuộc đối tượng phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
Lý giải cho đề xuất trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam dẫn chứng, năm 2024, theo thông tin cơ quan Thuế cung cấp, có khoảng 80.000 hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; hơn 2 triệu hộ kinh doanh đóng thuế theo phương pháp khoán. Nhiều trường hợp chủ hộ kinh doanh hết tuổi lao động, đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, hoặc đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo nhóm đối tượng khác.
Vì vậy, nếu chỉ đưa vào diện đóng bắt buộc đối với chủ hộ của hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai, thì số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc rất ít. Nếu quy định chủ hộ thuộc nhóm không kê khai, nhưng có đề nghị đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc lại không phù hợp với tính chất, nguyên lý về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đó là nhóm thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải tham gia.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phương án có lộ trình như đề xuất nêu trên để đảm bảo tính chất “bắt buộc” của việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đồng thời bảo đảm “sự sẵn sàng” của chủ hộ kinh doanh thuộc hộ có đăng ký kinh doanh.