/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông

Đề xuất điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông

05/09/2024 07:06 |

(LSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024. Trong đó, Bộ này có đề xuất về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Bộ GTVT, đường bộ được thẩm tra, thẩm định về an toàn giao thông trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình; thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; trước khi đưa công trình đường bộ vào khai thác và trong quá trình khai thác công trình đường bộ.

Trong giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, việc thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông được thực hiện cùng với công tác thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng.

Tại Điều 29 Luật Đường bộ 2024, thẩm tra an toàn giao thông đường bộ là việc tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông nghiên cứu, phân tích thiết kế cơ sở, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình, hồ sơ hoàn thành công trình, hồ sơ quản lý tuyến đường, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông và tiến hành kiểm tra hiện trường để phát hiện các khả năng tiềm ẩn tai nạn giao thông hoặc đánh giá nguyên nhân gây tai nạn giao thông để đề xuất giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm giao thông trên tuyến thông suốt, an toàn.

Bộ GTVT đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024.

Theo đó, cá nhân tham gia thẩm tra an toàn giao thông (sau đây gọi là thẩm tra viên) phải có chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ còn giá trị sử dụng do Cục Đường bộ Việt Nam cấp.

Cá nhân đảm nhận chức danh Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông, ngoài đáp ứng điều kiện trên, còn phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Đảm nhận chức danh Chủ nhiệm đồ án thiết kế ít nhất 03 công trình đường bộ;

- Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành công trình đường bộ, có thời gian làm việc về thiết kế công trình đường bộ ít nhất 07 năm;

- Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành giao thông đường bộ (công trình đường bộ, vận tải đường bộ) và có thời gian ít nhất 10 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: Quản lý giao thông, vận tải đường bộ, xây dựng đường bộ, bảo trì đường bộ; trong đó, đã tham gia xử lý an toàn giao thông từ 03 công trình đường bộ trở lên.

Nhà thầu tư vấn thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng điều kiện sau:

- Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và nhóm B, phải có ít nhất 10 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 04 thẩm tra viên là kỹ sư công trình đường bộ, 01 thẩm tra viên là kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 thẩm tra viên là người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.

- Đối với dự án nhóm C và công trình đường bộ đang khai thác, phải có ít nhất 05 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 01 thẩm tra viên là kỹ sư công trình đường bộ, 01 thẩm tra viên là kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 thẩm tra viên là người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.

Theo Điều 29, Luật Đường bộ 2024, việc thẩm định an toàn giao thông của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện trên cơ sở báo cáo thẩm tra an toàn giao thông của tổ chức tư vấn thẩm tra an toàn giao thông để phục vụ các hoạt động sau đây:

- Phê duyệt dự án;

- Phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở;

- Quyết định đưa công trình vào khai thác đối với công trình xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo;

- Tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường điều kiện bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn đối với công trình đang khai thác.

QUÂN TRẦN

Tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025

Nguyễn Hoàng Lâm