Ảnh minh họa.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Chính phủ đang kiến nghị với Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19.
Bởi lẽ, hiện nay việc thanh toán khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) với bệnh nhân Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh Covid-19 (do ngân sách nhà nước chi trả) và điều trị bệnh nền, các bệnh khác (do quỹ bảo hiểm chi trả). Nhiều trường hợp bệnh nhân đã tử vong hoặc không liên hệ được với người nhà, nên không thể thanh toán chi phí đồng chi trả.
Bên cạnh đó, cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn đến việc chi phí khám chữa bệnh BHYT không giảm tương ứng với số lượt là bởi thời gian điều trị nội trú kéo dài do nhiều nơi bị phong tỏa, không chuyển được bệnh nhân giữa các tuyến. Dịch Covid-19 khiến người dân chỉ nhập viện khi tình trạng diễn biến nặng, dẫn đến điều trị phức tạp, tốn kém hơn... Thời gian qua, chất lượng và năng lực y tế đã được nâng lên, thể hiện vai trò quan trọng trong giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cơ sở thiếu kinh phí khám chữa bệnh BHYT vào các tháng cuối năm, nhưng việc điều chỉnh dự toán còn chậm.
Chính vì vậy, thẩm tra báo cáo nêu trên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp giải quyết dứt điểm vướng mắc trong quá trình thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; trong đó quan tâm đến việc thanh toán chi phí khám, điều trị cho người bệnh mắc Covid-19.
Trước đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ tháng 4/2021, ngân sách nhà nước sẽ chi trả chi phí khám, chữa bệnh do Covid-19, gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc... Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám chữa bệnh các bệnh khác. Bệnh nhân Covid-19 phải tự chi trả hoặc cùng chi trả các chi phí ngoài phạm vi được hưởng BHYT.
PHƯƠNG ANH