Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo dự thảo, công dân Việt Nam khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú với cơ quan đăng ký cư trú theo quy định pháp luật cư trú thì phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.
Tổ chức thu lệ phí gồm: Công an cấp xã và Công an cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã. Mức thu như sau:
- Đăng ký thường trú đối với trường hợp công dân nộp hồ sơ trực tiếp, mức thu là 20.000 đồng/lần;
- Trường hợp công dân nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến mức thu là 10.000 đồng/lần.
Đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, mức thu đối với trường hợp công dân nộp hồ sơ trực tiếp là 15.000 đồng/lần; trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến mức thu là 7.000 đồng/lần.
Đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách mức thu đối với trường hợp công dân nộp hồ sơ trực tiếp là 10.000đồng/lần; nộp hồ sơ trực tuyến là 5.000 đồng/lần/người đăng ký.
Trường hợp tách hộ mức đăng ký công dân nộp hồ sơ trực tiếp là 10.000 đồng/lần, qua trực tuyến là 5.000 đồng/lần.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể các trường hợp miễn lệ phí, gồm: Trẻ em (người dưới 16 tuổi), người cao tuổi, người khuyết tật; Người có công với cách mạng theo quy định; Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; Công dân 16 tuổi và 17 tuổi mồ côi cả cha và mẹ.
Tổ chức thu lệ phí thực hiện kê khai, nộp lệ phí thu được theo tháng theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách Nhà nước.
Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí được ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
HOÀNG TRẦN