Ảnh minh hoạ.
Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị cho người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.
Lý do là người lao động ở Việt Nam chủ yếu là lao động chân tay, có rất nhiều trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội từ rất sớm, có thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội cao. Như vậy, khi người lao động đến năm 55 - 60 tuổi thì sức khỏe cũng đã giảm sút, không đảm bảo được yêu cầu công việc, có nguy cơ mất việc
Về chế độ thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, các hiệp hội đề xuất phương án người lao động được giải quyết dựa trên nguyện vọng và được bảo lưu thời gian còn lại với mức hưởng được ghi rõ tại thời điểm rút bảo hiểm xã hội. Bởi đối với những lao động lớn tuổi rất khó xin việc khi bị mất việc. Vì vậy họ mới cân nhắc đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo tỷ lệ mong muốn mà vẫn đảm bảo đủ điều kiện hưởng lương hưu khi về già, đảm bảo cuộc sống khi không còn khả năng lao động.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất bổ sung giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với quy định và có ít nhất 15 năm công tác đúng vị trí việc làm.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024. Liên quan đến điều kiện nghỉ hưu, dự thảo đã sửa đổi quy định để đồng bộ với lộ trình tăng tuổi hưu trong Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ năm 2021, nhằm đảm bảo tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường đạt đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
THU HƯƠNG