Ảnh minh họa.
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Ngoài gói 120.000 tỉ đồng, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).
Gói ưu đãi này sẽ tạo thêm động lực cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp vay tiền mua nhà. Giải pháp này được nêu ra trong bối cảnh gói 120.000 tỉ đồng sau hơn một năm mới giải ngân được chưa tới 1%, tức khoảng 1.144 tỉ đồng. Trong số này khoảng 1.100 tỉ cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại là người mua nhà.
Bộ Xây dựng cho biết thêm, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, hiện có thêm TPBank, VPBank cũng tham gia gói tín dụng này với số tiền 5.000 tỉ đồng mỗi ngân hàng.
Trước đó, đầu năm 2023, Bộ Xây dựng từng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỉ đồng, các ngân hàng thương mại để cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Đề xuất này từng được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên sau đó, Bộ Xây dựng đã bỏ đề xuất này, thay vào đó cùng Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.
Về tình hình phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết đến nay có 30 địa phương công bố danh mục 72 dự án đủ điều kiện vay gói 120.000 tỉ đồng. Một số địa phương có nhiều dự án như Hà Nội (6 dự án), TP. Hồ Chí Minh (6), Bắc Ninh (6), Bình Định (5)... Đến nay, 503 dự án nhà xã hội đang triển khai trên cả nước, tăng 4 dự án so với cách đây hai tháng. Trong đó, 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn, tăng ba dự án với hơn 1.700 căn so với hai tháng trước.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều tỉnh, thành có tỉ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án, dù tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An...
PV (t/h)