/ Tin tức
/ Đề xuất Hà Nội được phạt vi phạm xây dựng gấp nhiều lần địa phương khác

Đề xuất Hà Nội được phạt vi phạm xây dựng gấp nhiều lần địa phương khác

19/09/2023 06:22 |

(LSVN) - Đánh giá những vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội gây hậu quả nặng nề, nguyên lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị cho phép Hà Nội tăng mức phạt gấp nhiều lần địa phương khác.

Ảnh minh họa.

Ngày 18/9, Hà Nội tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến của nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tham gia ý kiến, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô ở thời điểm này là hợp lý. Thành phố đã đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ để xây dựng hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tuy nhiên, cần hoàn thiện bản dự thảo theo hướng cô đọng, khái quát cao hơn nữa. Trong đó, cần tận dụng tối đa nội dung Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Luật Thủ đô 2012 quy định một số nội dung đặc thù cho Hà Nội về xử phạt hành chính, nhưng mới chỉ "vượt" chứ chưa "trội". Đối với Hà Nội, những vi phạm như trật tự xây dựng gây ra hậu quả rất phức tạp, nặng nề. Nếu chỉ quy định cho phạt gấp 02 lần so với các địa phương khác thì người dân thấy vẫn rất có lợi nên sẵn sàng vi phạm.

Do đó, có thể cho phép Hà Nội quy định mức phạt, thông qua tại HĐND Thành phố, mức phạt có thể gấp nhiều lần mức của các địa phương khác, thậm chí là 50 lần.

Bởi theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc phạt nặng là để ít phải phạt, để người sau không dám vi phạm. Đồng thời, ông Phạm Quang Nghị cũng đề nghị các cơ quan lập pháp như Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp ủng hộ Hà Nội theo hướng đó.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị phải tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khác; tương tự, đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội; đi liền với quyền hạn là tăng trách nhiệm, trách nhiệm phải lớn hơn.

Cùng cho ý kiến tại hội nghị, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) Vương Văn Biện cho rằng, đối với Thủ đô, môi trường phải được coi là quan trọng số một khi xét duyệt các chương trình, dự án.

Dù đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng không bảo đảm về môi trường thì không thể cấp phép đầu tư, không thể thông qua. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải làm rõ được điều này.

Theo đó, ông Vương Văn Biện đề nghị Luật Thủ đô phải quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về xây dựng đô thị, khắc phục những bất cập hiện nay.

Theo nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, dự thảo Luật cần cô đọng hơn nữa. Về tên gọi, lần này, Luật Thủ đô được bổ sung hẳn 02 chương, nên có thể gọi là Luật Thủ đô sửa đổi và bổ sung.

Còn để quy định được các quy định vượt trội, thì phải thống nhất quan điểm là quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm, chứ không phải đặc quyền đặc lợi; đi liền với quyền hạn vượt trội, Thủ đô phải gương mẫu, đi đầu trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Từ thống nhất quan điểm như thế, mới có thể mạnh dạn giao quyền hạn vượt trội cho Hà Nội.

Phát biểu kết luận và tiếp thu ý kiến góp ý tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tinh thần chung của các bộ, ngành đều rất ủng hộ Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trao đổi, làm rõ thêm các ý kiến góp ý của đại biểu, đề cập đến vấn đề phân cấp, giao quyền lớn hơn cho Hà Nội quyết định đầu tư các dự án hay chuyển mục đích sử dụng đất, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đề xuất phân quyền đồng thời với trách nhiệm quản lý phải lớn hơn.

Đề xuất này cũng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay là quy trình thủ tục các dự án quy mô từ 10.000 tỉ đồng trở lên phải được thông qua Quốc hội cho dù đó là dự án hoàn toàn của thành phố như cầu Tứ Liên, hoàn toàn nằm trên địa bàn Hà Nội, do ngân sách Thành phố chi đầu tư; thời gian trình và thông qua phải mất hàng năm.

Đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất trong một số dự án dù chỉ dính một ít đất rừng sản xuất, đất lúa không ảnh hưởng đến môi trường, an ninh lương thực, nhưng do phải thực hiện theo quy trình thủ tục Chính phủ duyệt mất hơn 01 năm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, như trường hợp đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cảm ơn các nguyên lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ đã tham gia hội nghị đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản.

TRẦN QUÝ

Hà Nội sẽ xem xét hỗ trợ đặc thù với những gia đình ảnh hưởng do vụ cháy chung cư mini

Nguyễn Hoàng Lâm