/ Kinh tế - Pháp luật
/ Đề xuất hỗ trợ 80.000 đồng/ngày đối với lao động cách ly phòng dịch Covid-19

Đề xuất hỗ trợ 80.000 đồng/ngày đối với lao động cách ly phòng dịch Covid-19

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn số 1485/BHXH-CSXH góp ý về dự thảo chính sách đối với người lao động cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, dự thảo đề xuất hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc diện F1, F2.

Cụ thể, hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, bằng mức tiền ăn trong thời gian cách ly theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/2 của Chính phủ: "Trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung".

Thời gian hưởng là thời gian thực tế người lao động phải cách ly y tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thời gian áp dụng là từ ngày 01/6 đến hết ngày 31/12 (trường hợp thời điểm ban hành chính sách sau ngày 01/6 thì được áp dụng từ ngày 01/6).

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả cho người lao động theo phương thức do người lao động lựa chọn (chi trả bằng tiền mặt hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân). Trường hợp trong thời gian cách ly, người lao động chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng chính sách hỗ trợ thì có thể hoàn thiện việc cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.

Về đánh giá tác động của đề xuất tới các mặt kinh tế - xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng việc hỗ trợ cho người lao động sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho ngân sách nhà nước do thay đổi chính sách; bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp  trong dài hạn; không phát sinh chi phí nhưng vẫn bảo đảm nguồn nhân lực cho sản xuất, kinh doanh với người sử dụng lao động.

Việc hỗ trợ kịp thời cho người lao động phải cách ly y tế giúp giảm bớt được khó khăn về tài chính trong bối cảnh thu nhập bị giảm khi phải nghỉ việc, từ đó giúp người lao động được bảo vệ tốt hơn trước rủi ro bất khả kháng.

PHƯƠNG HOA

TP. Hồ Chí Minh những ngày đầu giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16

Lê Minh Hoàng