Ảnh minh họa.
Theo đó, chiến lược tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 4 mục tiêu chính là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tập trung xác định các hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, phân công trách nhiệm và nguồn lực huy động tương ứng.
Chiến lược tăng trưởng xanh phê duyệt ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và hành động khí hậu thông qua hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích đầy đủ bối cảnh mới, cập nhật, hệ thống quy hoạch, chiến lược, kế hoạch hiện hành, phản ánh toàn diện và tích hợp các nội dung chính sách đã có nhằm tạo sự đồng bộ, tương thích, bổ trợ, khả thi trong triển khai thực hiện giải pháp trên quy mô toàn nền kinh tế và các ngành. Theo đó, Kế hoạch hành động đưa ra được bức tranh tổng thể về nguồn lực, qua đó tạo cơ sở để huy động hiệu quả nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu.
Dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 bao gồm 19 chủ đề, 70 nhóm nhiệm vụ, hoạt động, 224 nhiệm vụ, hoạt động. Về tổ chức thực hiện, theo dự thảo, Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng Ban và các thành viên là đại diện các Bộ, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo được ban hành cùng Kế hoạch hành động.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện các hoạt động.
PV
Một số bất cập trong quá trình thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp