/ Tích hợp văn bản mới
/ Đề xuất mẫu giấy tờ, Sổ đăng ký nuôi con nuôi mới

Đề xuất mẫu giấy tờ, Sổ đăng ký nuôi con nuôi mới

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư ban hành, hướng dẫn sử dụng, lưu trữ mẫu giấy tờ, Sổ đăng ký nuôi con nuôi và lưu trữ hồ sơ nuôi con nuôi. Dự thảo Thông tư gồm 12 điều, quy định về một số nội dung về các loại mẫu sổ và mẫu giấy tờ về nuôi con nuôi; thẩm quyền in và phát hành Sổ, mẫu giấy tờ nuôi con nuôi; sửa chữa sai sót khi ghi Sổ và giấy tờ về nuôi con nuôi; lưu trữ, bảo quản giấy tờ, Sổ và hồ sơ nuôi con nuôi.

Ảnh minh họa.

Bộ Tư pháp cho biết, kể từ khi thực hiện các thông tư về biểu mẫu nuôi con nuôi, cho đến nay một số quy định pháp luật về nuôi con nuôi đã thay đổi, một số quy định pháp luật khác có liên quan như hộ tịch, trẻ em, dân sự, hôn nhân và gia đình đã được ban hành.

Cụ thể là trong lĩnh vực nuôi con nuôi, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, theo đó Việt Nam có nghĩa vụ lưu giữ thông tin về hồ sơ nuôi con nuôi; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nuôi con nuôi, bãi bỏ một số biểu mẫu về nuôi con nuôi; Điều 50 Luật Nuôi con nuôi về đăng ký nuôi con nuôi thực tế hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Qua quá trình thực hiện các thông tư về biểu mẫu nuôi con nuôi cho thấy các quy định hiện hành còn có những điểm tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể:

- Một số biểu mẫu không phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cụ thể như sau: Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 12/2011/TT-BTP, Sổ đăng ký nuôi con nuôi được in đóng quyển gồm hai loại 100 trang và 200 trang. Thực tế, các địa phương không sử dụng hết sổ sau 9 năm thực hiện Luật nuôi con nuôi, do số lượng đăng ký nuôi con nuôi ở từng xã hàng năm không nhiều. Điều này gây khó khăn trong việc chuyển lưu Sổ đăng ký nuôi con nuôi theo hai cấp, đồng thời gây tốn kém, lãng phí kinh phí, ngân sách nhà nước dùng cho việc in, phát hành biểu mẫu.

- Một số biểu mẫu không có phôi trắng khiến công chức đăng ký việc nuôi con nuôi mất nhiều thời gian viết tay hoặc căn chỉnh khi in hoặc in bị lệch, phải bỏ đi, gây lãng phí (biểu mẫu Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước, Quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài).

Bên cạnh đó, thay đổi trong cơ cấu tổ chức chính quyền ở từng địa phương dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biểu mẫu. Hiện nay một số địa phương đang áp dụng thí điểm mô hình sát nhập Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Do đó, việc ghi “Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân” tại Điều 4 của biểu mẫu Quyết định về việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài là không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Ngoài ra, quy định hiện hành còn thiếu một số biểu mẫu để thực hiện các thủ tục về nuôi con nuôi như: Văn bản chứng minh đã thực hiện việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Nuôi con nuôi nhưng không thành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 Luật Nuôi con nuôi, các điểm a, b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung; văn bản tư vấn về việc đồng ý cho con làm con nuôi trước khi lấy ý kiến đồng ý của những người liên quan về việc đồng ý cho con làm con nuôi; văn bản xác nhận đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung; sổ cấp phép, gia hạn hoạt động của các tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

- Các thông tư về biểu mẫu nuôi con nuôi hiện thiếu quy định hướng dẫn về việc lưu trữ hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước và hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Theo Bộ Tư pháp, pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi chưa có quy định cụ thể về yêu cầu, cách thức lưu trữ hồ sơ nuôi con nuôi. Trong khi đó, các thông tin trong hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi có liên quan đến thông tin nhân thân, nguồn gốc của người được nhận làm con nuôi, là cơ sở để tra cứu thông tin sau này trong trường hợp cần thiết. Do đó, để bảo quản, lưu trữ, quản lý và sử dụng thông tin về con nuôi hiệu quả, việc quy định cụ thể vấn đề này là điều cần thiết.

Từ những nội dung trên cho thấy, việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 12/2011TT/BTP và Thông tư số 24/2014/TT-BTP là cần thiết, nhằm đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về nuôi con nuôi, đồng thời đáp ứng nhu cầu mới phát sinh trong thực tiễn.

Mẫu Sổ đăng ký nuôi con nuôi theo đề xuất của Bộ Tư pháp.

Tại dự thảo Thông tư ban hành, hướng dẫn sử dụng, lưu trữ mẫu giấy tờ, Sổ đăng ký nuôi con nuôi và lưu trữ hồ sơ nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đề xuất ban hành 2 mẫu sổ: Sổ đăng ký nuôi con nuôi và Sổ cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng thời, đề xuất ban hành 27 loại mẫu giấy tờ về nuôi con nuôi. Trong đó, 7 loại mẫu giấy tờ dùng cho việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước; 13 loại mẫu giấy tờ dùng cho việc đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; 7 loại mẫu giấy tờ dùng chung cho việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Đối tượng sử dụng mẫu số và mẫu giấy tờ
1. Công dân Việt Nam và người nước ngoài có yêu cầu giải quyết các việc về nuôi con nuôi;
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã);
3. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện);
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);
5. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Tư pháp);
6. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
7. Bộ Tư pháp;
8. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan theo quy định của Luật Nuôi con nuôi.

THANH THANH

/thu-tuc-xin-cong-nhan-phan-dien-tich-dat-tang-len-so-voi-dien-tich-dat-tren-gcnqsdd.html