Ảnh minh họa.
Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dẫn chứng Thái Lan đã triển khai chương trình mở cửa với thị thực du lịch đặc biệt Thái Lan (STV) dành cho khách lưu trú dài ngày. Thời gian lưu trú có thể lên đến 90 ngày và khách được gia hạn thị thực 2 lần. Trong khi đó, với Việt Nam, thời gian miễn thị thực theo Luật Xuất nhập cảnh hiện nay là 15 ngày. Việc này được đánh giá là chưa phù hợp với nhu cầu lưu trú dài ngày từ 3-4 tuần của du khách quốc tế từ các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia…
Ngoài quy định về thời gian miễn thị thực, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc chưa có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài là điểm bất lợi của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. Hiện, các đơn vị mới chỉ đang thí điểm vận hành Văn phòng xúc tiến du lịch tại Anh và Hàn Quốc do doanh nghiệp tài trợ.
Trước tình hình trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội tiếp tục chấp thuận chủ trương tạo thuận lợi đơn giản hóa, linh hoạt thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực đơn phương. Trong đó, ưu tiên các quốc gia là thị trường nguồn, khách chi tiêu cao như các nước EU, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand, Ấn Độ... Đồng thời cấp visa điện tử và cho phép thí điểm thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài.
Nhận định thêm về những khó khăn và vướng mắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết nguồn lực cho xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, dàn trải. Sự phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến hình ảnh du lịch quốc gia còn chưa chặt chẽ. Hoạt động liên kết, hợp tác, phối hợp liên ngành, liên vùng cũng chưa phát huy hiệu quả đồng bộ, thiếu “nhạc trưởng”. Do đó, trước mắt, Bộ này đề xuất Chính phủ chỉ đạo xây dựng mô hình liên kết mẫu, hiệu quả giữa các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để tăng nguồn lực cho công tác xúc tiến quảng bá.
PV
Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế