Ảnh minh họa.
Hiện nay, tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chỉ được áp dụng đối với ô tô, mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, ôtô tham gia giao thông và ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu; chưa áp dụng đối với xe máy tham gia giao thông do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định. Do đó, dự thảo Luật Đường bộ đưa ra 2 phương án: Giữ nguyên các quy định hiện hành và quy định kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy. Việc đưa ra phương án quy định kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy nhiều người cho rằng không đảm bảo tính khả thi và sẽ phát sinh thủ tục về kiểm tra, kiểm soát khí thải của mô tô, xe máy như: Làm phát sinh bộ máy, trang thiết bị, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng; người dân phải tốn thời gian, chi phí cho việc kiểm định khí thải và phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện.
Tuy nhiên, với số lượng mô tô, xe máy gia tăng đột biến tại các đô thị lớn như hiện nay không chỉ làm tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng mà còn làm gia tăng lượng khí thải phát sinh, gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí cho những vấn đề về bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường. Nhiều loại xe cũ nát, hết thời hạn sử dụng nhưng vẫn được phép lưu thông và thải khói đen mù mịt nhưng chưa được tịch thu, tiêu hủy hoặc bắt buộc chủ xe phải đi bảo dưỡng định kỳ để tăng hiệu quả khai thác phương tiện và giảm chi phí nhiên liệu.
Hiện nay, phần lớn mô tô, xe máy khi tham gia giao thông chưa có tiêu chuẩn khí thải đặc thù áp dụng riêng cho loại hình phương tiện này. Vì vậy, dự thảo Luật Đường bộ có nội dung liên quan việc đề xuất mô tô, xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ là phù hợp, góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời, bảo đảm các cam kết kiểm soát khí thải, ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã tham gia.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân hiểu rõ về những tác động tiêu cực từ khí thải mô tô, xe máy gây ô nhiễm không khí, từ đó nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc loại bỏ các xe cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Đồng thời, cần hỗ trợ người dân, nhất là người lao động nghèo đổi xe cũ lấy xe máy mới.
Mặt khác, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí cần vận động, tuyên truyền để người dân dần bỏ thói quen đi cá nhân trong đô thị, đồng thời, xây dựng mạng lưới giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện…) chất lượng, hiện đại, hiệu quả; khẩn trương xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông theo kịp với sự phát triển của xã hội; xây dựng lộ trình hạn chế nhập khẩu xe máy; kiểm soát chất lượng xe máy để có biện pháp tịch thu và tiêu hủy xe kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum