Ảnh minh họa.
Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết ngày 22/8/2008, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT/CP-UBTWMTTQVN kèm theo Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Sau 14 năm triển khai thực hiện, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày càng chặt chẽ, thực chất, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai bên đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh từ thực tiễn, có việc chưa từng có tiền lệ. Các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực và từng bước hướng trọng tâm giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, tổng kết nhiều nội dung theo Quy chế phối hợp hiện hành đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định, cần hoàn thiện về nội dung và cơ chế phối hợp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xứng tầm với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai bên.
Cụ thể, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân ở một số nội dung chưa thật sự đạt kết quả rõ nét. Nhiều nội dung quy định trong Quy chế phối hợp hiện hành, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và một số lĩnh vực của đời sống xã hội; phối hợp thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo; phối hợp chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phối hợp thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đối ngoại nhân dân... chưa thể hiện rõ do đó thiếu cơ sở cần thiết cho hai bên trong quá trình phối hợp.
Việc phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, hoặc đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tuy có nhiều tiến bộ nhưng có nội dung còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn, việc thể chế nghị quyết, quy định của Đảng về giám sát, phản biện xã hội thành cơ chế, quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở địa phương còn chưa rõ, thiếu cơ chế cụ thể,...
Tại dự thảo, Văn phòng Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề xuất sửa đổi, bổ một số nội dung như:
Về công tác dân tộc, tôn giáo (Điều 5): Nêu trách nhiệm hai bên trong thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; vận động và phát huy vai trò và đóng góp của đồng bào dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng.
Về công tác tuyên truyền, vận động (Điều 6): Bổ sung thêm nội dung trong công tác tuyên truyền, vận động quy định rõ hơn trách nhiệm hai bên trong phối hợp tuyên truyền, vận động về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về chỉ đạo, điều hành của chính phủ, các đề án, chương trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Về chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân (Điều 7): Điều này cụ thể các nội dung để đảm bảo quyền cơ bản của công dân, đảm bảo phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt" để nhân dân làm chủ theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, dự thảo tách điều chung về phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành 02 điều: Phối hợp thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra (Điều 10); phối hợp thực hiện hoạt động phản biện xã hội (Điều 11). Bổ sung thêm nội dung phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra trong Điều 10.
TRẦN MINH
Đề xuất mức chi tuyển dụng, thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức