/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất mới về dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục

Đề xuất mới về dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục

09/08/2024 06:12 |

(LSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Ảnh minh hoạ. 

Theo dự thảo, nhà giáo dạy môn học bằng tiếng nước ngoài phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Về chuyên môn, nghiệp vụ: Đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

b) Về năng lực ngoại ngữ:

- Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4, giáo viên trung học phổ thông phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương;

- Giảng viên dạy tại các cơ sở giáo dục đại học phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình, nhưng không thấp hơn trình độ bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương;

- Người dạy tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương;

- Những người được đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài thì được miễn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ trong trường hợp ngoại ngữ đó là ngôn ngữ giảng dạy ở các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ;

- Người dạy tại các cơ sở giáo dục thường xuyên dạy các môn học, nội dung học tập thuộc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương;

- Người dạy tại các cơ sở giáo dục thường xuyên dạy các nội dung học tập thuộc các chương trình giáo dục thường xuyên khác phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

- Người học tham gia theo tinh thần tự nguyện và có khả năng theo học môn học được dạy bằng ngoại ngữ. Kiểm tra đầu vào đối với người học do cơ sở giáo dục thực hiện và được mô tả trong Đề án tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài.

Về mức thu, sử dụng và quản lý học phí, trên cơ sở tính đúng, tính đủ, lấy thu bù chi và có sự đồng thuận của người học, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng mức thu, kinh phí hỗ trợ, học phí cho từng năm học và khóa học đối với từng môn học, mô đun, học phần được dạy và học bằng tiếng nước ngoài để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo công khai cho người học biết trước khi tuyển sinh:

Mức thu, sử dụng và quản lý học phí, khoản thu dịch vụ hỗ trợ phục vụ việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của địa phương thực hiện theo quy định của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mức thu học phí đối với các môn học, mô đun, học phần được dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định hiện hành.

Việc quản lý học phí, khoản thu dịch vụ hỗ trợ, công tác kế toán và thống kê, tổng hợp vào báo cáo quyết toán hằng năm của đơn vị phải được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm tính công khai và minh bạch. Cơ sở giáo dục phải thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan tài chính, cơ quan kiểm toán và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền.

HUYỀN TRANG

Ngày tựu trường của học sinh cả nước

Nguyễn Mỹ Linh