Ảnh minh họa.
Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, thay thế Nghị định số 45/2018/NĐ-CP.
Theo Bộ Tài chính, qua hơn 04 năm triển khai thực hiện, quy định tại Nghị định số 45/2018/NĐ-CP và công tác quản lý, sử dụng, kế toán tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã phát sinh những hạn chế, bất cập cần được giải quyết, khắc phục để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác đối với các tài sản này. Một số khó khăn, bất cập chủ yếu bao gồm:
Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chưa làm rõ việc giao, quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản: Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được hình thành từ dự án sử dụng vốn nhà nước, được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì việc giao tài sản cho đối tượng quản lý, việc xử lý tài sản (giao, điều chuyển) thực hiện theo quy định về xử lý đối với tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân hay thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa do đối tượng khác (thuộc các Bộ, ngành khác ngoài Bộ Giao thông vận tải) quản lý và các tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa do Nhà nước đầu tư, quản lý nhưng đã bán, chuyển nhượng, xác định giá trị tài sản để tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa thì việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản được thực hiện theo quy định nào.
Thứ hai, việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa chưa phản ánh hết tính chất đặc thù của từng loại tài sản, chủ yếu hiện nay thực hiện theo phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện và chưa thực sự phát huy được hiệu quả nguồn lực tài chính từ khai thác tài sản công này; theo đó cần phải sửa đổi, bổ sung về phương thức khai thác, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện theo hướng: Quy định cụ thể về phạm vi của phương thức khai thác (bao gồm toàn bộ hay cả trường hợp khai thác một phần của từng tài sản); Sửa đổi về thẩm quyền trình tự, thủ tục thực hiện theo hướng tăng cường phân cấp, cải cách thủ tục hành chính.
Thứ ba, việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo một số hình thức (như: Sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; bán tài sản) không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tế hiện nay; đồng thời một số loại tài sản không còn nhu cầu sử dụng hoặc thay đổi quy hoạch loại ra khỏi danh mục tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhưng chưa có cơ chế để thực hiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; một số loại tài sản trong quá trình thực hiện xử lý cần phải có ý kiến của đối tượng bị ảnh hưởng có liên quan…; theo đó cần phải sửa đổi, bổ sung về hình thức xử lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế hiện nay.
Vì vậy, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (thay thế cho Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ) là cần thiết và có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Cụ thể, về các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, tại Nghị định số 45/2018/NĐ-CP quy định về các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa gồm: Trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; Phương thức khai thác khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại dự thảo Nghị định giữ nguyên 04 phương thức khai thác nêu trên nhưng đối với phương thức khai thác khác, dự thảo quy định cụ thể thẩm quyền lập, phê duyệt Đề án khai thác và Mẫu Đề án khai thác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, để phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại tài sản và thực tế hiện nay, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về phạm vi của các phương thức khai thác bao gồm cả trường hợp khai thác toàn bộ hoặc một phần của từng tài sản; trường hợp khai thác một phần của từng tài sản thì phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với phần tài sản còn lại.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt và thực hiện của từng phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Trong đó, sửa đổi thẩm quyền quyết định khai thác tài sản từ "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh" thành "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh".
Đồng thời, quy định rõ trình tự, thủ tục; hồ sơ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tương ứng với từng thẩm quyền quyết định khai thác tài sản (Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
Dự thảo cũng quy định cụ thể điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá khai thác tài sản phải đáp ứng điều kiện: Có ngành nghề kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phù hợp với việc quản lý, vận hành, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và có kinh nghiệm vận hành, kinh doanh công trình hạ tầng đường thủy nội địa tối thiểu 02 năm; Báo cáo tài chính của doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong 2 năm liền kề theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán theo quy định hoặc văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế.
Trường hợp khai thác tài sản theo phương thức chuyển nhượng quyền khai thác tài sản thì có thêm điều kiện: Tỉ lệ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư của dự án nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
Về nội dung của Hợp đồng khai thác tài sản theo các phương thức (cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản): Bổ sung quy định hình thức thanh toán đối với phương thức cho thuê quyền khai thác gồm hình thức trả tiền thuê một lần cho toàn bộ thời gian thuê, hình thức trả tiền thuê hàng năm; Bổ sung quy định thời hạn thanh toán đối với trường hợp cho thuê theo hình thức trả tiền thuê một lần cho toàn bộ thời gian thuê và trường hợp chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản (giá trị hợp đồng khai thác được thanh toán tối đa 02 lần trong vòng 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, trường hợp giá trị trên 1.000 tỉ đồng thì được thanh toán tối đa 03 lần trong vòng 180 ngày kể từ ngày ký hợp đồng); Bổ sung điều kiện điều chỉnh hợp đồng, chấm dứt hợp đồng.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; theo đó:
Bổ sung quy định nguyên tắc xác định giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Sửa đổi quy định về giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác theo hướng căn cứ chỉ tiêu về doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động khai thác tài sản.
Sửa đổi quy định về giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được xác định trên cơ sở các chỉ tiêu của phương án tài chính khi Nhà nước chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản trong một thời gian nhất định gắn với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản hiện có theo dự án đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; gồm: Tổng mức đầu tư của dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi là dự án); Nguồn vốn thực hiện dự án: Vốn nhà nước (xác định trên cơ sở giá trị còn lại của tài sản tại thời điểm chuyển nhượng theo đánh giá lại); nguồn vốn của nhà đầu tư; Các khoản chi phí trong thời gian khai thác tài sản; Phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư; Các chỉ tiêu khác (nếu có).
Đồng thời dự thảo Nghị định giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
TRẦN QUÝ