/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất mới về Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam

Đề xuất mới về Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam

19/07/2021 15:46 |

(LSVN) - Bộ Ngoại giao đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định về Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Bộ Ngoại giao, ngày 04/12/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 139/2000/QĐ-TTg ban hành Quy chế về lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Quy chế 139). Tính đến nay, Bộ Ngoại giao đã làm thủ tục thành lập 50 Cơ quan lãnh sự do lãnh sự danh dự đứng đầu hoạt động tại 4 khu vực lãnh sự là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. HCM cũng như bổ nhiệm các lãnh sự danh dự đứng đầu các Cơ quan lãnh sự này.

Tuy nhiên, một số quy định hiện nay của Quy chế 139 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế trong việc chấp thuận lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam cũng như chưa hoàn toàn thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Do đó, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về Quy chế lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết với yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế; đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước đối với cơ quan lãnh sự danh dự và lãnh sự danh dự, qua đó góp phần đảm bảo lợi ích quốc gia.

Dự thảo nêu rõ, “Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam” hoặc “Lãnh sự danh dự” là người được Nước cử ủy nhiệm để thực hiện một hoặc một số chức năng lãnh sự của nước đó tại một Khu vực lãnh sự nhất định ở Việt Nam và được Bộ Ngoại giao chấp thuận bằng văn bản.

Về nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự, dự thảo quy định, cơ quan lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự chỉ được phép thực hiện các chức năng lãnh sự tại một Khu vực lãnh sự nhất định ở Việt Nam sau khi được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam.

Lãnh sự danh dự thực hiện chức năng lãnh sự không vì mục tiêu lợi nhuận hay lợi ích về kinh tế mà nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Nước cử và Việt Nam.

Lãnh sự danh dự có thể đồng thời thực hiện chức năng lãnh sự được Nước cử ủy nhiệm và thực hiện các hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại sinh lợi của cá nhân tại Việt Nam; phù hợp với quy định tại các điều ước quốc tế mà Nước cử và Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Nghị định cũng quy định về chức năng lãnh sự của Lãnh sự danh dự. Đây là nội dung rất quan trọng, tạo khung pháp lý và cơ sở cho phạm vi hoạt động của Lãnh sự danh dự.

Về Khu vực lãnh sự, khắc phục những quy định trước đây, dự thảo Nghị định quy định Khu vực lãnh sự không chỉ giới hạn địa giới hành chính tại 1 tỉnh thành nhất định. Ngoài ra, Nước cử có thể đề xuất mở rộng Khu vực lãnh sự, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ xem xét, quyết định.

Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về: Quyền của Cơ quan Lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự; nghĩa vụ của Lãnh sự danh dự; nhiệm kỳ của Lãnh sự danh dự; cấp, gia hạn, cấp lại và thu hồi Chứng minh thư Lãnh sự danh dự; bộ máy hoạt động và trụ sở hoạt động của Lãnh sự danh dự; thay đổi trụ sở của Lãnh sự danh dự; quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho Cơ quan Lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự; và tạm dừng thực hiện chức năng lãnh sự.

MINH HIẾU

Trình tự, thủ tục để F0, F1 nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng