Ảnh minh hoạ.
Tờ trình dự thảo Nghị định nêu rõ 2 phương án nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội. Theo đó, phương án 1, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Với phương án này thì số kinh phí thực hiện một năm sẽ khoảng 37.113 tỉ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là 9.465 tỉ đồng. Dự kiến nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, năm 2024 ngân sách nhà nước bố trí thêm khoảng 4.700 tỉ đồng so với năm 2023.
Phương án 2, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 750.000 đồng (tăng 108,3% so với mức chuẩn cũ) thì tổng kinh phí thực hiện khoảng 54.000 tỉ đồng/năm, ngân sách nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.300 tỉ đồng/năm. Dự kiến nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, năm 2024 ngân sách nhà nước bố trí thêm khoảng 13.100 tỉ đồng so với năm 2023.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn phương án 1 nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng - Tờ trình nêu rõ.
Lý giải về việc lựa chọn phương án này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, sẽ bảo đảm thực hiện lộ trình tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội trong mối tương quan với các chính sách xã hội khác, sự công bằng giữa các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không để bỏ sót đối tượng; không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời phương án 1 phù hợp với mức bố trí ngân sách bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời đáp ứng được mức sống tối thiểu cho đối tượng bảo trợ xã hội.
PV
Covid-19 chuyển thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, thanh toán chi phí điều trị thế nào?