Ảnh minh họa.
Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Với hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cần bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bổ sung Điều 33 quy định về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”, song theo dự thảo luật, đây không phải biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Biện pháp này được áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư nhưng tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình mà chưa tới mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Các công việc phục vụ cộng đồng bao gồm: Trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.
Chủ tịch UBND xã là người ra quyết định và tổ chức biện pháp thực hiện; thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày.
Góp ý về điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các quy định cần đảm bảo tương thích với điều ước quốc tế. Một số đại biểu viện dẫn Luật Thi hành án hình sự có hình phạt cải tạo không giam giữ, nhưng đó là quyết định của tòa, còn đây là quyết định hành chính của chủ tịch UBND cấp xã một bên là quyết định hành chính của chủ tịch UBND cấp xã.
Bên cạnh đó, lưu ý đây là chính sách mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ và nếu tiếp tục giữ quy định này, nên lấy ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội thông qua.
PV