Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo Điều 23, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước. Theo đó, tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là việc bổ sung thông tin ngoài những thông tin về căn cước.
Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tích hợp vào thẻ căn cước theo đề nghị của người dân hoặc cơ quan quản lý Nhà nước.
Việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác.
Trường hợp thông tin in, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước khác so với thông tin được tích hợp trong căn cước điện tử do đã có sự thay đổi, biến động, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Người dân thực hiện thủ tục tích hợp thông tin vào thẻ căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước hoặc ứng dụng VNeID khi đã có căn cước điện tử.
Ngoài ra, cũng tại Điều 17, dự thảo Luật đã quy định việc thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước.
Theo đó, thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước được thu thập, cập nhật từ việc kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; từ tàng thư căn cước; cấp, quản lý thẻ căn cước; cấp, quản lý giấy chứng nhận căn cước.
Trường hợp thông tin thu thập từ các nguồn quy định trên mà chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được thu thập, cập nhật từ cá nhân, trừ trường hợp quy định tại điểm dưới đây.
Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của cá nhân là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam thì chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Dự thảo Luật cũng quy định không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.
Theo dự thảo Luật, thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Thẻ căn cước được sử dụng thay cho việc sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho việc sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân hoặc thẻ căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người dân phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước.
Trong đó, trừ trường hợp thông tin của người dân đã được thay đổi, cải chính và thông tin trong thẻ căn cước không thống nhất với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
TRẦN QUÂN