(LSO) - Dự thảo mới nhất của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Bộ Công an hoàn tất. Theo đó, dự luật này quy định về việc dừng, đỗ xe không có nhiều điểm khác biệt so với Luật Giao thông đường bộ 2008. Tuy nhiên, đáng chú ý, bộ này đề xuất quy định ô tô không được dừng quá 5 phút.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 18 về dừng đỗ xe quy định: Dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe.
Khoản 2 Điều này cũng quy định: Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải dừng xe.
Tại Khoản 3 quy định người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết khi vào vị trí dừng, đỗ xe. Khi đỗ xe chỉ được rời khỏi xe khi đã kéo phanh tay hoặc thực hiện các biện pháp an toàn.
Trường hợp phương tiện gặp sự cố kỹ thuật hoặc buộc phải đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm phía sau xe và có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp. Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh và đánh lái về phía lề đường.
Ngoài ra, tại khoản 4 điều này cũng quy định người điều khiển xe không được dừng xe, đỗ xe bên trái đường một chiều; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi có tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng…
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên xuống xe, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Như vậy, với quy định hiện hành, không giới hạn thời gian cụ thể.
Theo ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP. HCM, cho rằng đây cũng là một đề xuất phù hợp. Đối với xe buýt, thời gian dừng tối đa chỉ 1-1,5 phút, thậm chí có trạm chỉ 30 giây, đủ cho hành khách lên xuống xe. Mục đích quy định về thời gian như vậy là để tránh các hiện tượng kẹt xe trong TP.
Theo ông Tính, sau khi luật có hiệu lực, cơ quan chức năng nên có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định của từng loại xe. Ví dụ, xe du lịch trên 50 chỗ dừng đón khách thì 5 phút không đủ, xe dưới 30 chỗ thì 5 phút lại dư thừa.
Còn ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN thì cho rằng, theo quy định dừng xe là trạng thái xe còn nổ máy, lái xe còn ngồi trên xe. Dừng xe chủ yếu là cho hành khách lên xuống nên không thể dừng quá lâu, không có giới hạn về thời gian.
Ông Quyền cho biết, cần thiết phải có quy định giới hạn thời gian dừng xe tối đa là bao nhiêu, tránh những trường hợp dừng lâu quá trên các tuyến đường, xe hợp đồng trá hình dừng 15 - 30 phút chờ khách, nhất là vào giờ cao điểm dễ gây ùn tắc. Cần thiết phải có.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị viên diễn đàn Oto+ lại cho rằng quy định thời gian dừng xe không quá 5 phút sẽ là vấn đề gây tranh cãi trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
Ông Thắng cho hay, quy định này là phi thực tế, dẫn dẫn đến tranh cãi, lực lượng CSGT sẽ khó xử phạt lỗi này. Làm cách nào để xác định được một người dừng xe 5 phút. Người vi phạm sẽ tìm cách đối phó, khi CSGT xử phạt ai đó họ sẽ cãi là tôi mới chỉ dừng 4,9 phút thì lấy gì để làm chuẩn.
"Chỉ những vị trí nào có lắp camera giám sát mới xác định được hành vi này, tuy nhiên hiện nay hạ tầng giám sát của Việt Nam còn sơ khai, rất ít các tuyến đường có lắp camera giám sát. Kể cả khi có đầy đủ camera giám sát thì quy trình chứng minh thế nào, không ai có thể ngồi cả ngày chỉ để quan sát trên camera. Việc chứng minh xe nào đó dừng quá 5 phút là không hề dễ dàng", ông Thắng nói.
LÂM HOÀNG(t/h)