LSVNO - Ngày 13/11/2018, Tòa án nhân dân huyện Mang Yang (Gia Lai) đưa vụ án cố ý gây thương tích cách đây hơn 2 năm ra xét xử, dự kiến đến ngày 16/11/2018 sẽ tuyên án. Nhưng vì những lý do “trời ơi” nên phiên tòa xét xử vẫn bị hoãn vào phút cuối khiến người bị hại vô cùng mệt mỏi khi đợi chờ.
Phiên tòa ngày 13/11/2018.
Theo cáo trạng, khoảng 17 giờ ngày 12/5/2016, tại nhà rẫy thuộc làng Đê Rơn, xã Đak DJrăng, do mâu thuẫn cá nhân từ trước, Lê Thị Hòa (SN 1962, trú thị trấn Kon Dỡng) đã dùng hung khí nguy hiểm là một đoạn cây đánh anh Huỳnh Quốc Việt (SN 1972, trú thị trấn Kon Dỡng) gây thương tích 8%. Bị hại đã làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự nên cơ quan tố tụng xác định Hòa đã phạm tội cố ý gây thương tích quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Ngày 28/9/2018, Tòa tổ chức xét xử sơ thẩm song lại hoãn vì thiếu nhân chứng. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử công bố quyết định thay đổi hội thẩm nhân dân. Theo lịch thì ông Đoàn Như Kiên và ông Thân Văn Thái là hai hội thẩm nhân dân ngồi phiên tòa này. Nhưng phút cuối, vì bận việc đột xuất nên ông Thái không tham gia. Đến sáng ngày 13/11/2018, tòa tiến hành xử, hai hội thẩm ngồi tòa là ông Thái và ông Trần Trọng Toàn. Tại phần thủ tục, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Trương Nam Trung đã không công bố quyết định thay đổi hội thẩm nhân dân Đoàn Như Kiên. Hỏi trực tiếp ông Kiên thì ông này nói rằng không tham gia phiên tòa được vì thư ký báo quá muộn (!). Lý giải về sự việc này, ông Phan Văn Thạch, Thư ký tòa cho rằng, dạo này cán bộ ở huyện phải họp liên miên nên mới như vậy(?).
Bị hại Huỳnh Quốc Việt bức xúc kể, vụ án này có dấu hiệu bỏ lọt người có tội nên hơn 2,5 năm trôi qua, Tòa án nhân dân huyện Mang Yang đã 2 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng đến giờ này vẫn chưa xử xong phiên sơ thẩm. "Hồ sơ vụ án này nhiều vô kể song tôi không thể hiểu nổi ngay ngày xét xử lại thay đổi hội thẩm xoành xoạch như vậy thì thời gian đâu mà người mới nghiên cứu hồ sơ. Vậy mà hội thẩm thay thế lại là 1 trong 3 người quyết định vụ án, quyết định vận mệnh của những người tham gia tố tụng, nếu ông ta chỉ ngồi cho đủ mâm đủ bát thì làm sao mà tôi tin vụ án được xử khách quan, toàn diện, đúng người đúng tội, đúng pháp luật đây", bị hại bức xúc.
Còn Luật sư Lê Hoài Sơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại (Đoàn luật sư tỉnh Bình Định) thì cho rằng, thẩm phán Chủ tọa Trương Nam Trung đã vi phạm tố tụng trong phần thủ tục khi không công bố quyết định thay hội thẩm nhân dân tại phiên tòa ngày 13/11/2018. "Trong phần nghị án, phiếu của thẩm phán và hai hội thẩm là ngang nhau. Nếu hội thẩm nhân dân chưa nghiên cứu hồ sơ mà bỏ 1 phiếu quyết định vụ án thì chắc chắn sẽ không khách quan, không đúng quy định pháp luật", ông Sơn nói.
Phỏng vấn một lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về việc này thì được biết, theo quy định thì hội thẩm nhân dân thay thế phải đảm bảo đã được nghiên cứu hồ sơ vụ án. Nếu chưa đọc thì phải xin hoãn phiên tòa để đọc hồ sơ. Còn theo Luật sư Nguyễn Minh Tường (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thì việc thay đổi hội thẩm nhân dân là chuyện bình thường trong hoạt động tố tụng. Để đảm bảo trong tố tụng, tại quyết định đưa vụ án ra xét xử ban đầu phải có hội thẩm dự khuyết. Nếu thay đổi đột xuất thì người mới phải nằm trong thành phần dự khuyết thì mới đúng pháp luật. Trường hợp trong quyết định đưa ra xét xử vụ án không có hội thẩm dự khuyết, nếu thay hội thẩm đột xuất thì phải công bố quyết định và phải được sự đồng ý của các bên liên quan.
Nam Ca – Hùng Phi