Ảnh minh họa.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trước Quốc hội sáng 31/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo chỉnh lý quy định tại khoản 1, Điều 9, dự thảo Luật, theo đó, tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Về công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 1, Điều 6, dự thảo Luật để bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong việc phải công khai thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin về bất động sản, dự án bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh. Việc công khai thông tin là một trong những điều kiện để kinh doanh bất động sản, giao Chính phủ quy định chi tiết cụ thể về thời điểm, trình tự, thủ tục thực hiện việc công khai thông tin.
Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, dự thảo Luật quy định cá nhân khi kinh doanh bất động sản thì phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản; trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định.
Về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng có sẵn đưa vào kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý quy định tại khoản 3, Điều 14. Theo đó, việc bán, cho thuê mua các phần diện tích sàn xây dựng chỉ áp dụng với công trình xây dựng trên đất được Nhà nước cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 02 phương án:
Phương án 1: Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này.
Phương án 2: Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng. Số tiền đặt cọc tối đa theo quy định của Chính phủ nhưng không vượt quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, từng loại hình bất động sản.
Về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại dự thảo Luật. Theo đó, việc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn trong dự án bất động sản thì bắt buộc có “sổ đỏ” đối với diện tích đất xây dựng gắn với nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh; việc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai thì không bắt buộc có “sổ đỏ” nhưng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đối với diện tích đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh.
MINH QUÝ
Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 11/2023