(LSVN) - Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, dự kiến sẽ thay thế Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Trong đó, dự thảo đề xuất quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại Điều 6 dự thảo Nghị định đã đề xuất quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thì được tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi:
- Sử dụng xe ô tô chở người đảm bảo đúng theo quy định tại khoản 9 Điều Luật Đường bộ 2024. Không sử dụng xe ô tô chở người có thiết kế, cải tạo với số chỗ ít hơn 08 chỗ từ xe ô tô lớn hơn 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi;
- Phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
- Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm.
Được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe;
Cước chuyến đi thông qua sử dụng đồng hồ tính tiền
Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình;
Phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu, gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.
Cước chuyến đi thông qua sử dụng phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền)
- Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến;
- Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số;
- Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của Đơn vị kinh doanh vận tải kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
Cước chuyến đi theo thỏa thuận với đơn vị kinh doanh vận tải
Tiền cước chuyến đi theo thoả thuận giữa hành khách với đơn vị kinh doanh vận tải theo biểu chi phí niêm yết trên xe taxi hoặc thông qua phần mềm tính tiền của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Kết thúc chuyến đi, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đơn vị kinh doanh vận tải kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải thông báo đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, cơ quan quản lý Thuế (nơi đơn vị kinh doanh vận tải kê khai, nộp thuế) về phương thức tính tiền sử dụng trên xe taxi của đơn vị.
Xe taxi được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.
PV