/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất quy định riêng về dây đai an toàn và cửa thoát khẩn cấp với xe cải tạo

Đề xuất quy định riêng về dây đai an toàn và cửa thoát khẩn cấp với xe cải tạo

15/11/2023 12:02 |

(LSVN) - Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã quy định riêng về yêu cầu an toàn kỹ thuật đối với dây đai an toàn và cửa lên xuống, cửa thoát khẩn cấp của ô tô cải tạo.

Ảnh minh họa.

Theo dự thảo Thông tư, ghế lái của tất cả các loại xe ô tô cải tạo phải được trang bị dây đai an toàn loại ba điểm trở lên.

Ghế khách phía ngoài cùng thuộc hàng ghế đầu tiên, cùng với dãy ghế người lái (trừ xe ô tô khách thành phố) phải được trang bị dây đai an toàn loại ba điểm trở lên. Các ghế nằm giữa ghế lái và ghế ngoài cùng của hàng ghế này phải được trang bị dây đai an toàn tối thiểu loại hai điểm.

Ghế khách không thuộc hàng ghế đầu tiên cùng với hàng ghế người lái xe của các xe (trừ xe ô tô khách thành phố), giường nằm phải được trang bị dây đai an toàn tối thiểu loại hai điểm.

Đai an toàn phải được lắp đặt phù hợp tại từng vị trí ngồi hoặc nằm, đảm bảo hoạt động tốt, có độ tin cậy cao và giảm thiểu rủi ro gây thương tích cho người sử dụng khi xảy ra tai nạn. Các dây đai an toàn không được có kết cấu dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Ngoài ra, các bộ phận dây đai phải đáp ứng được các yêu cầu như: Khóa, bộ phận điều chỉnh không được có cạnh sắc gây ra mài mòn hoặc đứt dây đai do cọ xát; Khóa phải được thiết kế sao cho loại trừ được các khả năng sử dụng không đúng như không thể đóng ở trạng thái nửa chừng. Cách mở khóa phải dứt khoát; Bộ phận điều chỉnh đai phải tự động điều chỉnh để dây đai ôm vừa khít với người sử dụng hoặc nếu dùng bộ phận điều chỉnh bằng tay thì người sử dụng phải dễ dàng điều chỉnh khi đã ngồi vào ghế.

Bên cạnh đó, dây đai không bị xoắn ngay cả khi bị kéo căng và phải có khả năng hấp thụ và phân tán năng lượng. Chiều rộng dây đai không được nhỏ hơn 46mm và các điểm neo giữ đai phải được lắp đặt chắc chắn, phù hợp với loại đai an toàn và vị trí sử dụng.

Đối với yêu cầu an toàn kỹ thuật của cửa lên xuống, dự thảo Thông tư đề xuất quy định khoảng chở khách của xe khách phải được bố trí ít nhất một cửa lên xuống ở phía bên phải theo chiều tiến của xe (trừ xe khách thành phố BRT hoặc loại hình vận tải tương tự).

Cửa lên xuống của khách phải đảm bảo đóng chắc chắn khi xe chạy. Bề mặt bậc lên xuống phải được tạo nhám hoặc phủ vật liệu có ma sát cao để bảo đảm an toàn cho khách lên xuống.

Đối với cửa thoát khẩn cấp, nếu là loại đóng mở được phải có kích thước tối thiểu 550mm x 1.200mm.

Bên cạnh đó, cửa sổ có thể được sử dụng làm cửa thoát khẩn cấp khi có diện tích không nhỏ hơn 0,4m2 và cho phép đặt lọt một dưỡng hình chữ nhật có kích thước cao 500mm, rộng 700mm.

Cửa sổ phía sau có thể được sử dụng làm cửa thoát khẩn cấp khi cho phép đặt lọt một dưỡng hình chữ nhật có kích thước cao 350mm, rộng 1.550mm với các góc của hình chữ nhật có thể được làm tròn với bán kính không quá 250mm.

Tùy lượng khách xe có thể chở sẽ quy định số lượng tối thiểu cửa thoát khẩn cấp riêng. Cụ thể:

Trường hợp số lượng khách từ 17-30 người thì số cửa thoát khẩn cấp tối thiểu phải 04 cửa;

Trường hợp số lượng khách từ 31 - 45 người thì số cửa thoát khẩn cấp tối thiểu phải 05 cửa;

Trường hợp số lượng khách từ 46 - 60 người thì số cửa thoát khẩn cấp tối thiểu phải 06 cửa;

Trường hợp số lượng khách từ 61 - 75 người thì số cửa thoát khẩn cấp tối thiểu phải 07 cửa;

Trường hợp số lượng khách từ 76 - 90 người thì số cửa thoát khẩn cấp tối thiểu phải 08 cửa;

Trường hợp số lượng khách trên 90 người thì số cửa thoát khẩn cấp tối thiểu phải 09 cửa.

Trong đó, đối với xe hai tầng/xe nối toa số khách được hiểu là số lượng khách, lái xe và nhân viên phục vụ tại mỗi tầng/ mỗi toa; và cửa lên xuống của khách không được tính là cửa thoát khẩn cấp.

Ngoài ra, tại các cửa sử dụng làm cửa thoát khẩn cấp phải ghi rõ từ "CỬA THOÁT HIỂM" và/ hoặc "EMERGENCY EXIT". Tại các vị trí gần các cửa sổ thoát khẩn cấp làm bằng kính, phải trang bị dụng cụ phá cửa thoát hiểm.

TRẦN QUÝ

Đề xuất luật hóa quy định về điều tra cơ bản tài nguyên nước

Nguyễn Hoàng Lâm