Ảnh minh họa.
Theo đó, tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về quy định lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện; phương án lựa chọn một số chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia quan trọng; tiêu chí xác định quy mô, tầm quan trọng của dự án để áp dụng phương thức đấu giá hay đấu thầu quyền sử dụng đất.
Một số ý kiến thảo luận về yêu cầu đặt ra đối với công tác định giá đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc;...
Đáng chú ý, các đại biểu thống nhất không đưa ra các phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật mà cần căn cứ vào trường hợp cụ thể để áp dụng phương pháp phù hợp, bảo đảm xác định giá trị đất đai sát với thực tiễn.
Trao đổi tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, để bảo đảm định giá đất chính xác, cần xây dựng hệ thống dữ liệu đất đai đầy đủ, nâng cao năng lực của cán bộ địa phương, tham khảo kinh nghiệm những quốc gia có chế độ đất đai tương đồng.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, cần có quy định rõ ràng đối với việc giao quyền sử dụng đất cho dự án theo hình thức đấu giá, đấu thầu hay thỏa thuận để các địa phương triển khai thuận lợi.
Để có thêm quỹ đất ở, đất sản xuất hỗ trợ đồng bào dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Y Thông cũng đề xuất phương án tạo quỹ đất từ đất nông, lâm trường. Việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc cần căn cứ vào địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn như quy định trong dự thảo Luật hiện nay.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tinh thần tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đến phút cuối cùng, những vấn đề chưa đưa vào luật nhưng thực tiễn đặt ra thấy cần thiết thì mạnh dạn nghiên cứu, báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một đạo luật có tính thực tiễn, sức sống và tầm nhìn.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần xác định một số chỉ tiêu đất đai quan trọng, mang tính ổn định như đất lúa, đất rừng, khu vực bảo tồn thiên nhiên, di sản văn hóa, các khu dân cư đã phát triển ổn định… Còn những chỉ tiêu khác được xác định theo thị trường, phân cấp cho địa phương để thực hiện hiệu quả hơn, từ đó bảo đảm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai "vừa tĩnh, vừa động".
Bên cạnh đó, quy hoạch đất cần xác định một số chỉ tiêu cần thiết phải đưa vào quy hoạch sử dụng đất cần ổn định như đất lúa, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, di sản.
Phó Thủ tướng lưu ý, các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực mà có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.
Nhấn mạnh hoạt động thu hồi đất đai, tái định cư có ảnh hưởng lớn về mặt xã hội cũng như nguồn lực thực hiện, Phó Thủ tướng cho rằng, phải có quy trình, thủ tục chặt chẽ để bảo đảm tính khả thi trên cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện được điều chỉnh linh hoạt.
Liên quan đến phương pháp định giá đất, Phó Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào cho các phương pháp định giá đất.
Việc áp dụng các phương pháp định giá tuỳ thuộc vào từng trường hợp, tình huống khác nhau. Tuy nhiên, nếu số liệu đầu vào chính xác thì áp dụng phương pháp nào cũng cho ra kết quả như nhau.
Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định về mặt nguyên tắc, yêu cầu đặt ra đối với định giá đất đai phù hợp với giá trị thị trường, khách quan nhất có thể.
Cho ý kiến về thực hiện đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư, Phó Thủ tướng cho rằng, cần đổi mới tư duy, hướng tiếp cận theo hướng tính toán giá trị tổng thể của dự án mang lại cho xã hội thay vì số tiền thu được sau khi đấu giá.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cùng một khu đất nhưng đấu thầu, đấu giá để xây công trình văn hóa, bệnh viện, trường học không thể giống như dự án nhà ở, trung tâm thương mại.
QUÝ MINH