(LSO) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP được ban hành đã giúp cho công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo được tăng cường và đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, 2 Nghị định trên vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, cụ thể:
Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch và Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao là hai lĩnh vực được tách ra từ Nghị định số 158/2013/NĐ-CP. Như vậy, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP chỉ còn quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hơn nữa Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung một lần bằng Nghị định số 28/2017/NĐ-CP. Do vậy, việc thực thi Nghị định trên thực tế cũng gặp không ít khó khăn do các quy định về xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính còn nằm rải rác tại 2 Nghị định và trong quá trình lập biên bản và ra quyết định xử phạt của lực lượng có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt cũng gặp không ít khó khăn do việc dẫn chiếu hành vi quy định tại 2 Nghị định. Mặt khác, tổ chức bị xử phạt chưa được quy định cụ thể theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thứ hai, một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cần có sự bổ sung, điều chỉnh các hành vi mới để có chế tài áp dụng khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Dược, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Thú y, Luật Thư viện, Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật và Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định quản lý và tổ chức lễ hội, Nghị định số 126/2018/NĐ-CP ngày 20/9/2018 của Chính phủ quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường và một số văn bản mới ban hành trong lĩnh vực y tế có liên quan đến hoạt động quảng cáo. Đồng thời, bãi bỏ những hành vi không còn phù hợp với quy định nội dung đã thay đổi như sản xuất phim không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, số người được phép phục vụ trong phòng karaoke…
Thứ ba, một số hành vi vi phạm quy định chưa rõ ràng, khó áp dụng trong thực tế hoặc còn bỏ lọt hành vi vi phạm hành chính chưa có chế tài để áp dụng như thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh; quy định về tỉ lệ chiếu phim Việt Nam, thời gian chiếu phim cho trẻ em tại rạp, chiếu phim đã được phân loại phim có sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá tại rạp…
Thứ tư, một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền còn chưa tương xứng dẫn đến tình trạng chủ thể hành vi sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm vì lợi nhuận mang lại nhiều hơn số tiền bị xử phạt như hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi chỉ có khung phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; hành vi quảng cáo những mặt hàng mà pháp luật cấm không được quảng cáo, hành vi vi phạm quy định cấm trong lĩnh vực di sản văn hóa, quảng cáo…
Thứ năm, một số hành vi đã được quy định tại các nghị định xử phạt trong lĩnh vực khác, tuy nhiên, thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch không có thẩm quyền xử phạt dẫn đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa bị xâm hại, cần phải được quy định tại dự thảo Nghị định này nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của ngành văn hóa, thể thao và du lịch như các hành vi quy định về độ ồn, hành vi quy định về đổi tiền lẻ, các hành vi về điều kiện kinh doanh…
Thứ sáu, bãi bỏ một số văn bản đã hết hiệu lực về mặt thực tế song trên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn được liệt kê đang còn hiệu lực do chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ. Cụ thể Nghị định số 88/CP của Chính phủ ngày 14/12/1995 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội và Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa-thông tin.
Để khắc phục kịp thời những khó khăn, bất cập trên đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo nhằm góp phần tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về văn hóa, quảng cáo nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, đồng thời bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tiễn.
LSO