/ Tích hợp văn bản mới
/ Đề xuất quy trình xử lý đơn khiếu nại, phản ánh

Đề xuất quy trình xử lý đơn khiếu nại, phản ánh

23/07/2021 08:55 |

(LSVN) - Theo dự thảo, việc xử lý đơn phải bảo đảm tuân thủ pháp luật; nhanh chóng, kịp thời; rõ ràng, thống nhất và tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trong việc xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị,  phản ánh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo dự thảo, việc xử lý đơn phải bảo đảm tuân thủ pháp luật; nhanh chóng, kịp thời; rõ ràng, thống nhất và tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. 

Đơn phải được gửi, chuyển, hướng dẫn đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, có trách nhiệm giải quyết.

Dự thảo Thông tư quy định, đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc một trong các trường hợp không được thụ lý giải quyết theo quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại thì người xử lý đơn đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng chưa đủ điều kiện thụ lý giải quyết thì hướng dẫn người khiếu nại bổ sung thông tin, tài liệu để thực hiện việc khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của cấp dưới nhưng quá thời hạn giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại mà chưa được giải quyết thì người xử lý đơn báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ, trong quá trình xử lý đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.

Trong trường hợp người tố cáo đề nghị được bảo vệ thì người xử lý đơn báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo quy định tại Luật Tố cáo.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định việc quản lý, theo dõi đơn. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, chuyển đơn có trách nhiệm vào sổ hoặc nhập thông tin vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo theo quy định hoặc phần mềm xử lý đơn để tra cứu, quản lý, theo dõi. Việc lưu trữ, vào sổ theo dõi hoặc sao lưu dữ liệu trên máy tính, tra cứu thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ, pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, theo dõi đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận đơn có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền đã chuyển đơn theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ.

MINH HIỀN

Hà Nội: Người dân cần đăng ký trước khi xét nghiệm Covid-19

Loan B T Thanh