Theo đó, tất cả các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được xét trở lại quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 23 theo hướng bỏ quy định "người được trở lại quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài" và trường hợp đặc biệt được giữ quốc tịch nước ngoài.

Ảnh minh họa.
Chính phủ quy định các trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài chỉ cần đáp ứng hai điều kiện:
- Thứ nhất, việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
- Thứ hai, không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Bộ Tư pháp, vì "nới lỏng" quy định cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài nên dự thảo Luật bổ sung quy định: "Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi thực hiện các quyền ứng cử, tuyển dụng vào các chức danh, làm việc trong tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tham gia lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài và phải thường trú tại Việt Nam. Trường hợp pháp luật có liên quan khác với quy định này thì áp dụng quy định tại Luật này". Việc này nhằm bảo đảm chủ quyền, an ninh chính trị, lợi ích quốc gia cũng như tính trung thành và trách nhiệm của công dân đối với Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đề xuất Bộ Công an xác minh nhân thân đối với tất cả các hồ sơ xin nhập/xin trở lại quốc tịch Việt Nam được tiếp nhận tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo đảm vấn đề an ninh chính trị.
Mới đây, tại buổi làm việc với Cục Hành chính tư pháp về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện tập trung nghiên cứu 3 nội dung chính cần được bám sát chặt chẽ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.
Thứ nhất, mở rộng đối tượng được phép trở lại quốc tịch Việt Nam, đặc biệt là những trường hợp đã từng mất quốc tịch, bao gồm cả người lớn và trẻ em.
Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến việc trở lại quốc tịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Thứ ba, rà soát và đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người trở lại quốc tịch Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cá nhân đó vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài.